Mạc Xuân

MẠC XUÂN - MẶC LAN - CỎ LINH

VƯƠNG GIẢ NHẤT CHI HƯƠNG

 (Cymbidium Sinense)


Nói về lịch sử chơi Lan ở nước ta thì Mạc Xuân có lẽ là cây Lan được chơi lâu đời nhất với khoảng thời gian lên tới hàng nghìn năm. Cũng chính vì vậy mà dường như mọi khái niệm, mọi văn hóa chơi Lan cũng đều được quy chiếu từ cây Mạc Xuân mà ra.

Trong thú chơi Lan thì riêng cây Mạc Xuân được nâng tầm lên thành một nghệ thuật chơi và thưởng thức hoa Lan. Với câu nói nổi tiếng "Vua chơi Lan, Quan chơi Trà" hay " Vương giả nhất chi hương" đã cho thấy được lịch sử cực thịnh của cây Lan này trong thú chơi sinh vật cảnh của ông cha ta từ nhiều đời trước.

Với hình thái của những chiếc lá hình kiếm và những cần hoa với những bông hoa tối màu tạo nên một tổng thể rất giản dị và nhẹ nhàng. Cũng có rất nhiều thông tin cho rằng từ hình thái đơn giản vậy mà là khởi nguồn của cái tên Mạc Xuân, vì nó đại diện cho sự mộc mạc giản dị trong mùa xuân.

Còn với tên Mặc Lan thì đã có từ rất lâu đời bởi nó đại diện cho sự trực quan về màu sắc của bông hoa với gam màu tối. Chữ Mặc đại diện cho sự trầm tính, ẩn mình, ngoài ra còn có nghĩa là Mực viết. 

Từ xa xưa thì cây Mặc Lan - Mạc Xuân thường được trưng trong nhà mỗi dịp Tết đến xuân về. Thoạt nghe thì có lẽ ở thời nay ai cũng thấy lạ kỳ bởi Tết đến xuân về mọi người thường hay trưng những loài hoa rực rỡ để đón chào năm mới. Nhưng lối chơi xa xưa các cụ thường hay đi sâu vào ý nghĩa ẩn dụ chứ không hay chơi nổi như ngày nay. Mặc Lan mang màu Mực, màu của ngũ hành Thủy, trưng trong dịp năm mới để mong đợi một năm mưa thuận gió hòa không thiên tai. Nó cũng tương tự như màu áo The đen mà các cụ hay diện mỗi dịp Tết hay lễ hội xưa kia.

Cũng bởi hình thái cây Lan mang nhiều hình ảnh ẩn dụ với dáng dấp của rồng của phượng của đao của kiếm, của văn của võ, nên dường như chính bản thân cây Lan đã là một Triều chính thu nhỏ. Có lẽ bởi vậy mà mới hình thành tiền đề cho câu nói " Vua chơi Lan, Quan chơi Trà". Những người mà chơi những cây Mặc Lan sẽ bị xếp vào việc âm mưu dấy binh đao tạo phản và muốn xưng vương. Cũng chính bởi vậy mới có giai thoại về cụ Phúc Xuyên đã cáo quan về quê chỉ vì muốn chơi Mặc Lan mà phải đào hườm dưới ao để giấu cây Mặc Lan để tránh sự kiểm tra của quân lính triều đình.

Ngày nay thì ai ai cũng có thể tiếp cận và mua cho mình những chậu Mặc Lan để trưng Tết. Ngoài ra thì hiện nay thú chơi còn được nâng tầm lên với những cây mang GEN đột biến xanh hoặc vàng. Và giá thành cũng rất dễ tiếp cận khi mà công nghệ nhân giống và lai tạo ngày càng tiến bộ.

*****

Còn về đặc tính cây Mạc Xuân - Mặc Lan (Cymbidium Sinense) là một cây Lan biểu sinh ở những vùng núi của Trung Quốc, và phía bắc Việt Nam. Cũng chính bởi vậy nên việc thuần hóa để cây Mạc Xuân cho hoa ở miền nam Việt Nam gặp khó khăn. Cây cần trải qua thời gian lạnh để tạo mầm hoa và với thời tiết lạnh như miền bắc Việt Nam thì cần hoa sẽ phát triển đẹp nhất. 

Với đặc điểm những chiếc lá xếp vươn lên từ củ với hình thái như những thanh kiếm. Cần hoa mọc từ nách lá và vươn lên vượt trên tán lá. Những bông hoa mọc rải rác trên cần hoa với số lượng trung bình trên 10 bông hoa. Hương thơm đặc trưng và phảng phất  được mệnh danh là "Vương giả nhất chi hương".

Hiện trên thị trường xuất hiện rất nhiều cây được lai tạo và nhân giống bên Trung Quốc và được nhập về Việt Nam. Với rất nhiều hình thái và màu sắc thì những cây Lan có xuất xứ Trung Quốc ngày càng chiếm được sự ái mộ của giới chơi Địa Lan nước ta. Những cây truyền thống lâu đời ở nước ta như Thanh Ngọc, Thanh Trường, Cẩm Tố, Thanh Điểm, Hoàng Vũ,.... dần dần nhường chỗ cho những cây đột biến từ TQ. 

Phương pháp trồng thường được áp dụng là trồng trong chậu có lòng sâu với giá thể là đất bùn ao, xỉ than, mùn lá, đá nhẹ, đất nhật.... để đảm bảo độ thoáng và thoát nước tối đa cho cây Lan. Phủ giá thể vừa kín rễ nhưng không được phủ cao lên giả hành(củ) dễ gây bệnh và thối cây. Nhiệt độ thích hợp cho cây phát triển từ 20-25 độ. Mùa tạo nụ nhiệt độ từ 10-20 độ sẽ cho ra những cần hoa đẹp nhất.

Những vùng Bắc Kạn, Lào Cai, Thanh Hóa và vùng Yên Tử- Quảng Ninh hiện đang là những nơi khai thác nhiều nhất nhưng số lượng cũng ngày càng ít ngoài tự nhiên.