Giấc Mơ

<Sưu Tầm>

***


Mấy hôm nay Kiếm toàn có những giấc mơ lạ. Cứ chìm vào giấc ngủ là y như rằng lại hiện ra trước mắt một gương mặt đen sì, gầy guộc, mắt sâu hoắm,…cứ nhìn thẳng vào mặt Kiếm như hờn dỗi, như trách móc. Giật mình tỉnh giấc ú ớ cơn mê, người Kiếm đầm đìa mồ hôi. Dễ có đến hơn một tuần nay, đêm nào Kiếm cũng mơ nhìn thấy gương mặt ấy. Gương mặt ấy quen quá, hình như Kiếm đã gặp ở đâu rồi thì phải, nhưng Kiếm không tài nào nhớ nổi. Dậu, vợ của Kiếm giục: mai anh đi lên Hà Nội khám xem bị làm sao chứ kiểu này em lo lắm, tiện anh chạy qua nhà ông cụ ở Láng Thượng xem ông ta có bán chậu địa lan quý đó không. Kiếm ậm ừ, rồi vẫn chưa đi được, và cứ đặt mình lúc nửa đêm là Kiếm lại bắt gặp cái gương mặt khắc khổ ấy.


Dậu, vợ của Kiếm là một phụ nữ rất xinh đẹp, con của một quan chức có tầm cỡ trong tỉnh. Khuôn mặt cá trắm tròn lẳn, môi đỏ như son, lông mày lá liễu,…từng đấy tiêu chuẩn đã khiến người ta chết mê chết mệt, xếp hàng dài mà theo đuổi. Nhưng Dậu cũng có một quá khứ cũng khá chát chúa. Ngày trước, thời còn con gái, bao nhiêu chàng trai theo đuổi Dậu chẳng kết chàng nào, lại đi thậm thụt với tay lái xe của bố. Mà tay lái xe này đã có vợ rồi, nhưng cánh lái xe toàn anh khéo mồm, nói chuyện đến kiến trong lỗ cũng phải bò ra nghe, làm sao mà Dậu không chết cho được cơ chứ. Ông bố quan chức biết chuyện, nổi giận đùng đùng, tống khứ ngay thằng lái xe mất dạy, chó chết, đã quyến rũ con gái ông mà lại làm nó có bầu nữa mới khốn nạn chứ. Điên tiết ông đóng cửa lại đánh cho con gái một trận thừa sống thiếu chết rồi nhốt hẳn nó trong phòng như tù giam lỏng không cho tiếp xúc với bất cứ ai. Thật là nhục nhã cái mặt. Bằng này tuổi đầu rồi, đã làm quan cấp hàng tỉnh rồi mà còn bị cái thằng lái xe chó chết khốn nạn, mất dạy nó lừa ông, nó dám làm cho con ông có bầu nữa, nhục, nhục không để đâu hết nhục. Ông phải tính sao để cho đỡ nhục với bàn dân thiên hạ đây, cái bầu trong bụng con gái thì cứ ngày một lồ lộ.

Một buổi chiều, khi đi công cán ngang qua bến phà, chợt ông bố nhìn thấy một thằng đen đúa, gầy nhom kéo cáp bến phà. Đó chính là Kiếm. Kiếm chả có họ hàng thân thích, quanh năm kiếm sống bằng cái nghề kéo cáp cho phà, chỉ đủ ăn đã là sung sướng lắm rồi, chứ nào có ứoc mơ mẹ gì xa xôi. Vừa thoáng nhìn thấy Kiếm, ông bố đã nghĩ ngay trong đầu: giải pháp đây rồi!

Thế là nghiễm nhiên từ đấy Kiếm trở thành con rể của ông quan tỉnh tầm cỡ. Nhờ “ông bố vợ nhặt” nâng đỡ, Kiếm được đi học, rồi đi làm, rồi leo lên đến chức giám đốc sở du lịch của tỉnh. Nhiều lúc Kiếm cứ ngờ ngợ cái thằng con của Kiếm trông khang khác, sao chả giống Kiếm tẹo nào, nhưng sợ phải trở về với cái kiếp kéo cáp bến phà, Kiếm lại tặc lưỡi cho qua.

Từ ngày Kiếm lấy Dậu, vợ chồng chưa bao giờ to tiếng với nhau. Có người bảo, Kiếm đội vợ lên đầu, Kiếm tặc lưỡi kệ cha chúng nó muốn nói gì thì nói. Kiếm yêu hoà bình, yêu chức quyền, yêu sự trường sinh….mới có được cuộc sống như ngày hôm nay. Cũng may, vợ chồng Kiếm tâm đầu ý hợp, chồng tung vợ hứng và ngược lại. Có đồng tiền, vợ chồng Kiếm chỉ ra sức săn lùng của độc, đồ cổ, cây thế, địa lan….

Cách đây dăm năm, vào dịp Tết Nguyên Đán, Kiếm đến thăm một người bạn ở Nghi Tàm. Hắn cũng cùng ngành du lịch với Kiếm nên quen biết. Kiếm thấy nhà hắn có những chậu hoa rất lạ. Lá như lá…..như lá gì nhỉ? Lúc ấy Kiếm không nghĩ ra, được lau chùi sạch bóng. Dò hoa thẳng tắp cao vút với rất nhiều màu sắc: đen, nâu đen, vàng, xanh,…..Kiếm để ý thấy lá cây nào cũng giống cây nào.Nhưng hoa rất khác nhau. Mùi thơm tinh khiết, thoắt ẩn, thoắt hiện đến kỳ lạ. Kiếm mê quá.

Thấy Kiếm dí mũi vào ngửi từng dò hoa, còn lấy tay gạt gạt hương vào mũi, thằng bạn cười rũ. Hỏi hoa gì, hắn bảo địa lan. Kiếm hỏi: mấy chục ngàn một chậu? Hắn cười rũ: Làm đếch gì có mấy chục ngàn, một vài trăm, vài triệu cũng có. Kiếm chưa từng gặp loại hoa nào đắt đến thế. Khi vào cuộc chơi địa lan, Kiếm mới hiểu địa lan là thế nào và người trồng địa lan phải có nhân cách đến nhường nào. Kiếm bảo:

- Tôi muốn trồng một vài chậu được không?

Hắn mỉm cười, nụ cười khinh miệt đến sởn gai ốc, khiến Kiếm không thể nào quên. Hắn bảo:

- Cậu chỉ có thể trồng sú, trồng vẹt được thôi.

Hắn khinh Kiếm đến thế là cùng. Nhưng vì năm mới, Kiếm không muốn gây sự. Kiếm kể với vợ. Dậu tức sôi lên. Nàng bảo Kiếm đưa đến tận nơi xem cái thứ hoa hoét địa lan địa liếc nó thế nào mà chủ nó khinh mình quá. Qủa thực, tự đáy lòng, Dậu vô cùng ngỡ ngàng trước vẻ đẹp đài các, thanh tao và hương thơm kỳ lạ của hoa địa lan. Dậu nhìn kỹ từng gốc địa lan. Cầm từng viên đất bửa ra xem. Càng ngửi thứ hương thơm dìu dịu tinh khiết lúc đậm lúc nhạt, Dậu càng như bị mê đi. Dậu có cảm giác nàng đã lạc vào cõi tiên.

Suốt chặng đường từ Hà Nội về, Dậu không nói một câu. Biết tính vợ, Kiếm cũng không gợi chuyện. Vậy là mọi việc, Dậu đã sắp xếp, quyết định cả rồi. Bước xuống xe, Dậu hỏi chồng:

- Hơn hai chục chậu địa lan nhà bạn anh có đến năm chục triệu không?

Kiếm ấp úng. Tuy làm giám đốc nhưng Kiếm vốn tính thiếu quyết đoán. Tính nhẩm lại càng chậm. Dậu nói tiếp:

- Anh đi Tàu, đặt mua năm mươi chiếc chậu và đôn sứ Giang Tây, màu cẩm thạch. Năm mươi triệu với két tiền nhà mình chỉ bằng người ta mua một mớ rau. Để cái thằng bạn anh xem chúng ta trồng sú trồng vẹt hay trồng hoa. Địa lan là thứ sang trọng, khách du lịch mê lắm đấy.

Có chậu, có đôn, Dậu thuê người làm giàn che nắng che mưa cho lan. Lại thuê cả “bố già” ở Nam Định chọn đất trồng trọt, chăm sóc mấy tháng đầu. Ai mách hoa quý ở đâu là vợ chồng Kiếm tìm đến tận nơi mua cho bằng được. Gìơ đây, Dậu có thể lớn tiếng tuyên bố vườn địa lan của mình đẹp đồng bộ, đủ loại sang trọng vào bậc nhất nước. Đến nhà ông Bộ trưởng mê địa lan còn phải tấm tắc. Chậu đẹp, đôn đẹp đã đành, lại còn nhiều thứ lan quý như Thanh Ngọc, Thanh trường, Thanh lùn, Cẩm tố, hoàng vũ hoa cánh bằng, cánh cong,….nữa chứ. Đến mão đạt ma đắt giá nhất xứ Đài Loan, Kiếm cón có vài chậu kia mà. Dậu nói như thần nói. Vườn địa lan nhà Kiếm có biết bao nhiêu khách tìm đến. Số tiền bán địa lan lãi gấp đôi, gấp ba rồi. Vừa được chơi, được tiếng là người sành điệu trong làng cây cảnh, vừa lãi to, hỏi kinh doanh gì bằng, khách Tàu lục địa, Tàu Đài Loan, khách Đại Hàn, khách các tỉnh phía Nam đến xem vườn lan, mua lan, phải ngủ qua đêm, qua nhiều đêm, khách sạn nhà Kiếm xin được nhiệt tình đón tiếp…..Kiếm khoe nghề trồng địa lan và những chậu những đôn này có từ thời ông nội Kiếm.

Để tăng thêm vẻ cổ kính, truyền thống của vườn lan, Kiếm cũng đi tầm lan độc khắp nơi. Địa lan của Kiếm luôn đạt chuẩn cao chứ không như mấy nhà trồng lan kinh doanh ở Hà Nội. Càng chơi lan, Kiếm càng mê, càng phát hiện địa lan có nhiều điều kỳ lạ. Thế là Kiếm nổi máu văn chương. Kiếm muốn viết lại những cảm xúc của mình bên những chậu địa lan. Dẫu là có cảm xúc với dăm ba nhận xét tinh, khác lạ về loài hoa đài các cao sang nhưng vẫn là thứ văn chương của anh Kéo phà vô học bên bến phà Rừng ngày nào nên Kiếm gửi đi bao nhiêu tờ báo đều không được in. Họ đã không dùng lại còn chẳng thèm viết trả lời đến một câu. Kiếm ức lắm. Kiếm chê mấy tay nhà báo là đồ vô văn hoá. Thế mà cũng làm nhà báo. Nếu Kiếm có quyền, Kiếm sẽ thu hết thẻ nhà báo của đám láo nháo, mất nết này, Kiếm bảo vậy. Vợ Kiếm cười, bảo, tiên trách kỷ, hậu trách nhân. Anh viết lủng củng, dây cà dây muống in thế nào được. Kiếm bảo, nhưng họ phải có thư trả lời cho tôi biết họ có nhận được bài không chứ? Không tin, không thể tin được bọn nhà báo bây giờ. Có khi nó thuổng luôn bài của mình rồi xào xáo lại ấy chứ.


Nhưng rồi phúc đức thế nào những bài cảm nghĩ của Kiếm về địa lan và cây cảnh cũng lọt vào mắt xanh của một vị tổng biên tập báo ngành. Ông đã cắt xén, sửa chữa, thậm chí có bài còn viết lại để đăng tải trên từng số báo cho Kiếm. Khỏi phải nói, vợ chồng Kiếm mừng đến ngộp thở như thế nào khi nhận được nhuận bút và báo biếu và cả thư cảm ơn, mời Kiếm cộng tác. Kiếm quyết định khao cả gia đình và bạn bè thân thiết một bữa cháo tôm hùm thật xôm. Tiếp đến, Kiếm công du một chuyến lên Hà Nội gặp vị tổng biên tập đáng kính nọ. Tên ông ta là Văn. Ông hơn Kiếm bảy tuổi. Ông Văn gày gò khắc khổ, đen như củ ấu. Nếu không được giới thiệu ông là tổng biên tập hẳn Kiếm nghĩ ngay đến tay chăn vịt ở quê. Người trông như thế mà văn tài báo chí lại tinh đời đến thế, hay như thế, lạ thật. Kiếm chợt nghĩ đến lan Đại mặc. Có lẽ có thể ví ông Văn với thứ địa lan này. Ông thành thực bảo Kiếm, ông chưa một lần nhìn thấy cây địa lan nhưng đọc những bài viết của Kiếm, ông mê nó quá! Một loại cây kỳ lạ và huyền diệu. 

Kiếm cảm động, chớp chớp mắt, lắng nghe như nuốt lấy từng lời. Được đà, Kiếm kể cho ông nghe bao nhiêu chuyện về loài địa lan kỳ thú này. Nào lan chửa, lan đẻ, lan nuôi con, lan đơm hoa…nào nó u buồn, héo hắt theo sức khoẻ con người…Theo Kiếm, xem hoa, ngửi hương đã sướng nhưng không thích bằng lúc xem lan đẻ. Những mầm cây xanh mỡ, mập mạp tự cái móng giò tách ra từ cây mẹ nhô lên mặt đất thì lan mẹ vặn mình khô lá đến xơ xác, thương lắm! Ông tổng biên tập tròn mắt kinh ngạc, tấm tắc: Lạ nhỉ? lạ nhỉ!


Cao hứng, Kiếm hứa sẽ đem biếu ông chậu địa lan Quân Vương. Kiếm nghĩ gọi là lan Quân Vương cho oai chứ thực chất đó là thứ lan rẻ tiền nhất. Bởi vì người ta chỉ thích, chỉ mua gái đẹp như lan Thanh Ngọc, Hoàng Vũ, Cẩm Tổ, Thanh Trường,….về làm Hoàng Hậu, Hoàng Phi chú có ai thèm mua Vua, mua ông Tể tướng già, mua người chỉ muốn làm bố thiên hạ! Do vậy, bán vua, bán tướng rất khó, rất rẻ! Tuy giá vua, giá chúa rẻ hơn giá mỹ nữ hàng chục lần nhưng trong vườn lan lại không thể thiếu vua, thiếu tướng. Thiếu vua, thiếu tướng thì mỹ nữ đẹp với ai, sống với ai?

Được lời như cởi tấm lòng, Kiếm dốc bầu tâm sự, dốc hết cả vốn liếng hiểu biết về địa lan, lại hứa cho mình một chậu địa lan Quân Vương, ông Tổng biên tập cảm kích hỏi:

- Sao lại gọi là lan Quân Vương?

Kiếm thưa: Báo cáo thủ trưởng, lan Quân Vương là thứ lan đứng đầu các loại lan. Tựa như trong quân phải có tướng soái, trong nước phải có vua.

Tổng biên tập gật gù: ra thế! Ông tổng biên tập thích thì thích thật. Nhưng nghe Kiếm nói địa lan chuẩn rất đắt, khó tìm mà lại là lan quân vườn nữa thì ông ngại quá. Hàng triệu đồng một chậu. Ông nhận lan tức là nhận hối lộ. Đều quy thành tiền cả. Thời này không có ai cho không cái gì hết. Ông vội xua tay:

- Cảm ơn cậu cho lan. Coi như mình đã nhận rồi. Nhà mình chật lắm. Chả biết để vào đâu. 

Ông tổng biên tập càng từ chối, Kiếm càng hứa hẹn. Dường như cảm thấy lời hứa của mình chưa đủ trọng lượng, Kiếm còn buông lời thề độc. Mà không phải chỉ có thề một lần.

Thời gian trôi qua. Những cảm xúc về lan của Kiếm cũng vợi dần. Bài vở của Kiếm ít hơn. Thỉnh thoảng Kiếm cũng đánh xe lên Hà nội, đến toà soạn gặp ông Tổng biên tập đáng kính, người cha đỡ đầu cho những đứa con tinh thần của Kiếm. Vừa nhìn thấy ông, Kiếm đã vội gãi tai thanh minh:

- Em vẫn chưa mang lan cho thủ trưởng được bởi lan phải tách vào mùa xuân kia.

- Cậu khỏi phải băng khoăn. Tớ không biết chăm lan. Để nó chết phí mất. Phải tội chết.

Lần khác Kiếm bảo:

- Các cụ bảo Cửu nguyệt phân lan. Nghĩa là tháng chín mới được tách lan thủ trưởng ạ.


Lần khác nữa, Kiếm tỏ vẻ băn khoăn ra mặt: Chết, em chưa đến thăm nhà thủ trưởng được. Em phải nghiên cứu xem để chậu lan ở chỗ nào nó mới phát triển được, chứ không để bậy bạ được đâu.

Thế rồi Kiếm mất hút. Bởi, Kiếm chả có bài gửi cho toà soạn nữa. Ông tổng biên tập nghỉ hưu được mấy năm rồi.

Một sáng ngủ dậy, Kiếm chợt nhận ra chậu lan mà Kiếm gọi là Quân Vương ấy có vẻ khang khác. Nhưng khác thế nào Kiếm không phân biệt được. Bởi Kiếm có là nhà sinh vật học, là bác sĩ, là…là….đâu mà biết. Rõ ràng nó ốm. Kiếm hỏi vợ:

- Khi chăm lan em có tưới nặng tay với chậu Quân Vương không?

Vợ Kiếm bảo: chậu nào mà chả chăm như nhau. Nhưng sao nó ươn mình lắm, lạ nhỉ?


****

Mấy đêm nay, đêm nào Kiếm cũng mơ. Vẫn giấc mơ ấy, vẫn gương mặt ấy, đen đúa, hốc hác, đôi mắt trũng sâu to và sáng rực tựa đèn pha ấy. Và Kiếm lại giật mình đánh bách một cái, mồ hôi túa ra đầm đìa. Trống ngực đập mạnh. Chân tay rã rời. Từ đó đến sáng, Kiếm không sao chợp mắt được. Chẳng lẽ lại là gương mặt của ông tổng biên tập báo ngành? Không, mắt ông dài và hiền cơ. Mắt ông không thể trũng sâu vàng võ, tròn xoe ra như thế. Ai, chứ ông thì Kiếm không thể không nhận ra được, đó là ân nhân, là người cha đỡ đầu cho những đứa con tinh thần của Kiếm. Nhờ có ông mà Kiếm đã trở thành hội viên hội Nhà văn, nhà báo thành phố. Mấy hôm sau ra hội văn nghệ thành phố tham gia hội thi phát động viết bút ký, phóng sự….mới biết ông Tổng biên tập mất cách đây vài tháng. Rằng ông bị ung thư gan nên đột quỵ nhanh lắm. Kiếm giật mình, ngơ ngác. Có lẽ gương mặt Kiếm thấy trong mơ là gương mặt của ông. Đôi mắt bị teo cơ nên trũng sâu và sáng rõ. Rồi chậu địa lan Quân vương khó ở, vàng dần từng lá…..Khớp tất cả lại, Kiếm càng thấy sợ. Chẳng lẽ trên cõi dương gian này lại có chuyện truyền kỳ thật.

Một lời thề độc.

Một gương mặt đen đúa, hốc hác.

Một cặp mắt trũng sâu to và sáng.

Một chậu địa lan đang úa từng chiếc lá.

Một giấc mơ lặp đi lặp lại…..

Chẳng thế giải thích. Chẳng bíêt đúng sai. Nhưng Kiếm sợ. Kiếm vội sẻ mấy thân lan Quân Vương, bất chấp cứ phải mùa xuân, cứ phải đến cửu nguyệt mới phân ra. Và lần đầu tiên sẻ lan, lần đầu tiên giống lan quý ra khỏi nhà Kiếm mà kiếm không nói gì với Dậu. Kiếm xách toòng teng mấy thân lan trong túi bóng nhảy xe buýt lên Hà Nội. Kiếm đến khu nhà tập thể của toà báo, nơi có căn hộ của ông Tổng biên tập mà Kiếm đã nhiều lần đến thăm ông. Vợ ông tổng biên tập, một người cao lớn, trắng nõn làm hành chính ở tòa báo của chồng. Vừa nhìn thấy Kiếm, ,đôi dòng nước mắt đã chảy dài trên má. Chị phậm phệu:

- Chú Kiếm ơi, anh Văn nhà tôi đi rồi!

Kiếm bối rối đặt hương hoa, quả lên bàn thờ ông Văn. Đứng trước tấm ảnh đen trắng của ông Văn, chụp từ thủa nào không rõ được phóng to cỡ 18x24, mồ hôi Kiếm cứ thế vã ra, xương sống lạnh toát. Kiếm rùng mình. Bức ảnh và khuôn mặt trong giấc mơ hàng đêm của Kiếm chỉ là một. Tại sao lúc sống, ông hiền làm vậy. Mà sao sang thế giới bên kia, ông lại như hờn giận, lại như trách Kiếm….Ôi, ông anh!

Bà vợ được dịp giãi bày với Kiếm:

- Vài năm nay nhà tôi nhớ chú lắm. Ông ấy mong mong là. Cứ bảo thể nào chú cũng lên. Thế nào chú cũng cho cái thứ hoa lan, quý lắm cơ, có tiền cũng không dễ mà mua được! Ông ấy mong mãi, chờ mãi chả thấy chú lên. Cuối cùng ông ấy đi chợ Mơ mua được câu hoa lan kia về.

Bà vợ ông ngừng lời chỉ tay ra khoảng sân nhỏ, nơi có đặt chậu địa lan trên một cái đôn. Cả chậu và đôn đều đổ bằng xi măng để mộc, lá dài gần bằng lá mía uốn cong như cánh cung, có đến bảy dò hoa màu nâu nhạt, thoang thoảng hương thơm. Thoáng nhìn, Kiếm biết ngay đó là thứ lan rất rẻ tiền, mới khai thác rừng về. Họ bán thân, bán bụi. Vài ba chục ngàn cũng mua được dăm bảy thân chứ đâu có như thứ lan Quân Vương nhà Kiếm, bỏ rẻ cũng phải hơn trăm ngàn một tép. Bà vợ ông Tổng biên tập hỏi tiếp:

- Chậu lan ông nhà tôi trồng là lan gì vậy chú? Cái thứ lan này xung khắc với nhà tôi hay sao ấy. Ông ấy trồng đến hai ba năm nó chả ra hoa. Năm nay ông ấy vừa đi, nó nở đến bảy dò chú ạ!

Kiếm bảo: Lan tiễn chủ đấy chị ạ! Quý lắm!

Đôi mắt còn giàn giụa nước mắt của bà vợ chợt rực sáng: Thế hở chú? Chú nhắc lại tên nó để tôi ghi. Hôm qua, mẹ con tôi vừa đặt chậu hoa lên bàn thờ thắp hương cho ông ấy. Nhưng chả biết tên nó để khấn.

Kiếm biết, đó là Thu lan, dòng mặc, bởi nó nở vào mùa thu. Nhưng ở hoàn cảnh này, Kiếm biết nói gì hơn. Kiếm xin bà đưa xuông mộ ông.

Kiếm gục xuống nấm mồ mới như một dải khoai héo không có điểm tựa, nức nở:

- Sao lại thế này hở anh? Sao anh đi nhanh thế. Xin anh tha thứ cho em, hôm nay em mang lan Quân Vương lên biếu anh đây. Em vội quá, bận quá. Kinh doanh ngành du lịch bây giờ vất vả lắm.

Bà vợ ông ngậm ngùi xúc động. Sao ông ấy lại có được những người bạn tốt đến thế.

Kiếm hạ lễ, bật lửa hoá vàng và định hoá luôn cả mấy tép lan.

Bà vợ ông tổng biên tập báo ngành vội giữ tay Kiếm lại:

- Thôi chú đừng đốt bỏ. Phí quá. Chú cho tôi xin, tôi đem về trồng. Khi nào ra hoa, mẹ con tôi sẽ dâng lên bàn thờ ông ấy thắp hương.

Kiếm còn biết nói gì nữa. Anh trao mấy tép lan cho bà vợ Văn rồi lặng lẽ vái tạ nấm đất mới còn lổn nhổn hòn to, hòn nhỏ, cỏ cây chưa kịp mọc.


(st)