CỎ LINH

<Dương Duy Ngữ>

***

Khoảng những năm 1984-1985, nhà văn chuyển gia đình về thị xã Hà Đông. ở đây, nhà văn quen trưởng lão họ Bạch. Năm đó cụ đã ngót cửu thập, vóc dáng cụ cao sang thanh thoát, cụ còn rất minh mẫn, tai thính mắt sáng. Cụ có 2 chậu lan đẹp lắm: Mặc Biên và Thanh Trường. Những năm đó ăn còn chả đủ nói gì đến chơi lan. Nhà văn mê mẩn với 2 chậu lan đó.

-         Trưởng lão họ Bạch bảo: anh còn trẻ mà đã mê lan như vậy là quý lắm.

-         Nhà văn thưa: xưa kia ông nội con cũng chơi lan nên con mới biết ạ!

-         Thế quê cậu ở đâu?

-         Dạ, nhà cháu ở làng Gồ, Quốc Oai ạ!

-         Thế có biết ông Tú Gồ không?

-         Dạ, đó là bố cháu ạ!

-         ồ, hoá ra người quen, tôi hơn bố cậu dăm bảy tuổi nhưng cùng học một thầy đấy. Cái giống lan này cũng là do ông nội cậu san cho!

Nghe trưởng lão họ Bạch nói, nhà văn chợt có cảm giác vui vì gặo lại thứ cỏ linh đã một thời ông nội chăm sóc vừa bâng khuâng buồn nghĩ đến ông. Nghĩ đến thứ cỏ đã theo ông đi, tôi những muốn xin cụ mỗi thứ vài thân về làm kỷ niệm. Nhưng mới lần đầu gặp cụ, không dám ngỏ lời, hơn nữa lại đang ở nhờ nhà cậu em vợ nên không biết trồng ở đâu.

Cụ tâm sự: Hôm rồi có mấy chú khách nói tiếng lơ lớ Tàu sang đây trả giá cây địa lan của tôi cao lắm. Tôi mới hỏi: Bên các chú thiếu gì địa lan mà phải mua mấy thứ này? Họ bảo: bên họ những năm vừa rồi cách mạng tao loạn, đập phá hết rồi. Ai trồng thứ cây này là tư sản, phong kiến, là còn nuối tiếc gì đó…..



- Nhà văn hỏi: thưa cụ bao nhiêu tiền một chậu vậy?

- Họ trả những năm triệu 2 chậu kia. Vàng hai trăm hai mươi ngàn một chỉ. Cậu tính xem năm triệu là bao nhiêu cây vàng? Tôi cứ nghĩ mình nghễnh ngãng, nghe thuyểnh kia. Sau lại giật mình tự hỏi: sao họ mua đắt thế? Tôi chợt nghĩ: các chú khách này là thâm lắm. Bỗng dưng họ lại mua lan đắt đến thế kia ư? Do vậy tôi không bán. Tôi là tôi cứ phải cảnh giác.

- Sao cụ không san ra vài chậu?

- Tôi không bán. Tôi không tách đâu, tách là cây đau lắm.


Cụ nói tiếp: ở ta còn ít người giữ được giống cỏ linh này lắm. Nhất là giống Mặc Biên nhà mình. Cậu thấy không, cái biên nó vàng ánh, gọn nét chạy suốt từ nửa thân lá chứ không phải chỉ có tí mờ ở giót lá. Thế mới gọi là dị thảo. Hoa thì đen ánh và có 2 viền vàng từ giữa cánh hoa kéo lên. Chứ không nâu nâu, nhạt nhạt, phải đeo kính phóng đại mới nhìn rõ một tí biên mờ mờ ở giữa cánh hoa nhé!


Bạch trưởng lão vừa nói vừa thở. Dường như đã lâu lắm rồi mới có người thấy rõ giá trị thứ cỏ linh của cụ, mới có người để cụ giãi bày tâm sự, cụ càng nói càng say càng sảng khoái. Do vậy, nhà văn không dám ngắt lời cụ để cụ nghỉ sức. Cụ nói tiếp: Cái tuổi nó đuổi xuân đi ý mà, nhớ nhớ quên quên, rõ chán. Thế nhà mình còn giữ được thứ cỏ linh này không. Nhà văn thành thực trả lời: Từ ngày ông nội cháu mất, mấy chậu địa lan cũng chết dần, chết mòn đi cụ ạ. Bạch trưởng lão tiếp: Cái thứ này nó biện hơi người lắm cậu ạ. Mình bện nó, nó bện mình. Để ra giêng tôi tách biếu cậu mỗi thứ mấy thân. Nhà văn khấp khởi mừng trong lòng.



Nhà văn chia tay Bạch trưởng lão lúc chiều tà. Chỉ còn loáng thoáng đôi ba giọt nắng hanh vàng nhạt trên cái sân gạch cổ nhà cụ. Một cơn gió se nhè nhẹ cuốn những chiếc lá khô cong về một phía……


Bẵng đi vài tháng, nhà văn mới trở lại thăm Bạch trưởng lão. Đứa cháu gái chừng mười bảy, mười tám, xinh đẹp như tố nữ ra mở cổng ngõ, bảo: Cụ cháu ốm liệt giường từ hôm bán mất 2 chậu địa lan. Ông nội cháu dặn, có ai vào thăm cụ thì xin đừng hỏi cụ ốm thế nào.


Nhà văn chết điếng người, thế là Bạch trưởng lão đã bán mất 2 chậu cỏ linh rồi. Chẳng hiểu cụ có kịp tách mấy thân cho nhà văn như đã hứa không? giờ lại ốm liệt, khéo không qua khỏi mất…

Trong căn nhà ngói cổ, nhờ nhờ tối, Bạch trưởng lão nằm bẹp rúm trên chiếc giường rẻ quạt, cao vồng, cổ lỗ kê sát mép nhà. Nhà văn thoáng giật mình, một con người đạo mạo cốt cách như cụ giờ ra nông nỗi này. Tuổi già, cái tuổi thật khủng khiếp. Nhà văn chào cụ, cụ vừa rên vừa nói sang sảng:


- Tôi…tôi chết mất cậu ạ. Cũng là tại tôi. Tôi lú lẫn, tôi ngu quá, dại quá, tham quá,…..

Nhà văn thấy lạnh cả sống lưng. Ở người già, chưa bao giờ thấy ai kêu mình dại, mình ngu, mình tham, mình dại. Người lạ, không quen biết,hẳn phải nghĩ tiếng cụ nói là tiếng ma. Ma nói. Chứ giọng cụ già ốm nằm co ro chỉ thấy có cái đầu..sao có thể sang sảng được như thế.

Nhà văn nắm lấy bàn tay lạnh giá, xương xẩu của Bạch trưởng lão. Cụ nói tiếp:

- Tôi thất hứa với cậu rồi. Tôi đã cảnh giác mà sao lúc ấy đầu óc tôi tối tăm, ngu muội thế không biết. Họ trả 5 triệu không bán thì trả hẳn 10 triệu. Thế là con giục bán, cháu giục bán, chắt giục bán, cả nhà giục bán. Bây giờ…mất….mất rồi…..! Cậu ơi, khi họ bê 2 chậu cỏ linh ra khỏi nhà tôi mới sực tỉnh, biết là mình ngu, mình tham thì đã muộn rồi. Tôi đổ từ hôm đó. Cứ nghĩ đến 2 chậu cỏ linh là tôi không ăn, không ngủ được. Tôi thấy nhớ, thấy trống trải, thấy ân hận, thất hứa. Bao nhiêu năm nay tôi chăm sóc, gắn bó với nó…Tôi chết, chết cũng đáng lắm cậu ạ!



Nhà văn an ủi cụ nhưng cảm thấy nhói đau trong tim. Cụ tiếp:


- Họ bảo mang về cấy mô. Vài năm nữa lại mang sang bán đầy chợ Tết. Tôi đau lắm!

Nhà văn đỡ cho cụ:

- Thôi cụ ơi, đằng nào cũng mất rồi. Dẫu nó là cỏ linh thì cũng không thể bằng con người được. Cụ cố gắng ăn uống thuốc men cho khoẻ. Cháu tin ở Hà Nội, Hà Đông,…còn nhiều người giữ được thứ cỏ linh lắm. Cụ sẽ chọn mua giống tốt nhất. gây lại lo gì. Vài năm nữa nó lại chả bén hơi cụ lại tốt um lên ấy chứ. Vài bữa nữa bố cháu khoẻ, cháu đưa bố cháu ra thăm cụ, bố cháu đã chống gậy sang thăm hàng xóm được rồi. 

Đôi mắt Bạch trưởng lão sáng rực như hai ngọn lửa khiến nhà văn giật mình: Thật nhé. Cậu cố đưa cụ Tú Gồ ra chơi với tôi một buổi nhé. Vừa nói Bạch trưởng lão vừa vùng dậy. Nhà văn đỡ cụ ngồi. Cụ nói tiếp: tôi sẽ gây, sẽ gây lại, tôi sẽ chờ cụ Tú ra…..

Được một lúc, chợt như nhớ ra điều gì, Bạch trưởng lão lại gạt phắt đi: Nhưng mà thôi cậu ạ, tôi đã tham tiền, đánh mất thứ có linh nhà cậu. Tôi đã thất hứa, thất hứa, tôi còn mặt mũi nào…..

Nhà văn chào cụ Bạch ra về, còn ngoái lại, lặng nhìn hai cái đôn cổ cao ngang tầm ngực bỏ trống trong sân, nơi Bạch trưởng lão vẫn đặt hai chậu cỏ linh một lúc lâu.

Trời đông xám ngoét. Cả ngày không thấy nắng. Từng cơn gió bấc lùa tái tê. Nhà văn thấy lạnh buốt tự trong lòng.



 (Dương Duy Ngữ)