NGƯỜI TRỒNG ĐỊA LAN

<Dương Duy Ngữ>

***

Ở làng Gồ chúng tôi, ông nội tôi nổi tiếng là một người biết ươm trồng địa lan, một loại cây cảnh trồ hoa rất đài các, phong lưu. Nhưng ông cũng chỉ đủ tiền mua dăm chiếc chậu bát quái bằng sứ Tàu, tám góc có gắn tám cái mặt nghê, một loài thú vật mặt tựa mặt rồng, trán dô, mắt lồi, mũi to, miệng rộng, cằm vuông,…..để trồng mấy thứ địa lan như Hoàng Điểm, Mặc Biên, Đại Mặc,….thôi.

Về mùa đông tháng giá, ao làng tôi được tát cạn nước để ném mạ chiêm và cấy rau cần. Lúc ấy ông sai chúng tôi tìm một cái ao tốt, chọn chỗ bùn thật hẩu, thật nạc, thật mát lạnh bắp chân, xúc cho ông dăm bảy xô. Ông đem thứ bùn nhão nhoét đó trộn với trấu tươi, chọn chỗ nắng thật dại trên sân đổ ra đó phơi. Đến khi mảnh bùn khô nỏ, trắng xác mới xếp vào góc bếp để bồ hóng khử trùng và chống ẩm.

Ra giêng, mưa phùn, độ ẩm cao, thời tiết ấm áp, vạn vật nảy mầm là bắt đầu trồng lại. Ông đào những khóm lan lên. Ông đào khéo lắm không bao giờ để đứt rễ lan rồi đem ngâm vào chậu nước đầy. Chờ cho đất cũ bám vào gốc rũ hết ra, ông dùng cái chổi dạng như chổi quét sơn, mềm….chùi rửa từng cái rễ tỉ mỉ và chăm chút. Đem những cục đất mới chặt nhỏ như quân cờ. Lẩn mẩn xếp đất vào chậu, xung quanh rễ cây. Ông bảo, loại địa lan quý giót lá thường vểnh lên một chút, tựa người con gái kiêu sa. Ông không thích gọi là thế đảo kiếm hay phản kiếm.


Ông nội tôi có người bạn tâm giao chơi lan là cụ Tư Đình. Gọi như vậy là bởi vì cụ Tư canh giữ đình làng. Mỗi khi có hoa nở là hai cụ lại tụ nhau lại, thưởng trà và bình hoa. Bữa ấy, lan hạc đính của ông tôi nở. Sáng đó ông dậy sớm lắm, lấy tờ giấy bản có chữ thánh hiền, đốt thành tro, xong đem tro ấy đánh rửa bộ ấm chén men da lươn. Thời ấy xà phòng hiếm lắm, đánh rửa chén bằng tro giấy bản vừa sạch, vừa đỡ xước men. Thấy cụ Tư Đình đến, con Vàng mừng rỡ vẫy đuôi tíu tít đón cụ vào. Ông nội giở gói giấy bọc lạng chè ướp hoa sói ra pha. Hai cụ nhâm nhi trà và thưởng thức chậu lan Hạc Đính mới nở, đàm đạo. Kỳ lạ loài lan Hạc Đính, phải đủ ngày đủ tháng mới đơm hoa, cánh hoa đúng như hình con chim hạc đậu cành. Cây mẹ vắt kiệt sức cho cành hoa mới chịu lụi tàn đi và đẻ ra 2 thân con. Không hiểu giữa loài lan Hạc Đính và loài chim Hạc có mối liên quan gì với nhau không. Mùa sinh sôi nảy nở đến, chim Hạc chỉ đẻ độc có 2 quả trứng, 2 trứng nở thành 2 con, rồi chúng quần nhau cho đến khi một con yếu hơn bị chết, chỉ còn lại một con thôi.

Hai cụ xuýt xoa nhâm nhi chén trà xuân và ngắm nhìn chậu Hạc Đính khen:

“Đẹp, đẹp thật. Đài hoa xoè ra, thân trĩu xuống chắc khác gì hạc bay. Tôi thích nhất mùi hương. Thật kín đáo, thật bất ngờ. Chủ tâm ngửi vào tận cánh hoa thì chẳng thấy gì.Nhưng lãng quên đi một chút thì nó lại đột ngột tỏa hương thơm ngọt cụ ạ”. “Cây cũng như người, càng tốt đẹp, càng hiếm hoi”.


Một hôm, cụ Tư Đình cùng ông nội tôi ngồi uống chè ướp hương sói thưởng thức mấy dò lan Tố Tâm đang nở, trắng muốt sau một trận sấm chớp mưa rào. Loài hoa Tố Tâm trông thì đài các mà hoá dữ dội. Nó chỉ bừng nở trong sự rung chuyển của đất trời. Nếu trời làm đại hạn thì nụ hoa cứ chĩa lên trời mà ngậm mãi như là sự thách thức với ông cao xanh, chứ nhất định không chịu nở. Nó kiên trì tới mức Thiên Lôi phải gầm lên sấm sét và mưa rào như trút nước. Do đó người ta đề cao thứ hoa này như là cứu tinh của nhà nông.. 

Vừa lúc ấy thầy giáo hiệu trưởng trường làng đến chơi. Ngồi chuyện cùng 2 cụ, thầy giáo buột miệng hỏi “ sao các cụ lại không chơi phong lan?”. Ông tôi vốn kín đáo ý nhị, không bộc lộ sở thích của mình. Yêu, ghét khen chê là tuỳ theo mỗi người. May thay cụ Tư Đình trả lời thay ông tôi : “ Thầy giáo ngắm kĩ mà xem, cái cây nó cũng như con người, điều cốt lõi là ở cái duyên. Cây phong lan có bao nhiêu hoa lá, gốc rễ đều bày ra cả trước thanh thiên bạch nhật thì còn gì là duyên nữa”. Thầy giáo lại hỏi “Loại địa lan nào quý nhất”. “Cũng còn tuỳ vào sở thích mỗi người, nhưng theo chúng tôi thì Đại mặc, Mặc Biên được nhiều người thích hơn bởi vì dò hoa giản dị, khiêm nhường mà vẫn cao sang. Nó là cốt cách của hiền nhân quân tử. Nó lại nở đúng dịp Tết Nguyên Đán”.,

Ông tôi bảo, loài địa lan sống trong sạch, tinh khiết lắm. Nó không ăn phàm, uống tạp như những loài hoa dại. Ông có cả ang nước mưa dể tưới địa lan. Khi nào ông trời làm đại hạn thì mới dùng nước giếng khơi Nhưng phải đổ vào ang độ vài ba hôm cho nước lắng trong mới đem tưới. Sáng sớm, chiều ta, ông tôi lấy khăn bông sạch dấp nước lau từng chiếc lá. Ông lý giải địa lan rất nhạy cảm, sạch sẽ cho nên phải thường xuyên tắm rửa cho nó. Địa lan biết người, biết ta lắm. Ai chăm rửa mặt, gội đầu cho nó là mặt nó (mặt lá) mơn mởn, tươi sáng như gương mặt con gái đang độ trăng tròn.

Một buổi sáng, sau khi tưới lan xong ông buồn rầu sai tôi sang mời cụ Tư Đình. Ông nói với cụ: “ Năm nay khéo tôi không qua được. Cụ nhìn kỹ những khóm địa lan kia. Hôm qua tôi tưới, lá còn xanh còn mỡ thế mà hôm nay tối xỉn cả lượt.”. Cụ Tư Đình đáp: âu cũng là mệnh giời cụ ạ. Sinh lão bệnh tử là lẽ tự nhiên. Ông bùi ngùi nói: Nếu tôi có mệnh hệ gì xin cụ buộc cho mỗi chậu hoa một dải khăn sô, kẻo chúng tủi thân, thương tiếc tôi mà tàn lụi đi.


Qủa nhiên dăm hôm sau ông tôi lăn ra ốm thập tử nhất sinh. Cha tôi mời thợ mộc đến ghép cho ông một cỗ hậu sự bằng chò chỉ. Lúc tỉnh táo ông tôi nhìn cỗ hậu sự tỏ ý hài lòng. Mẹ tôi đi chợ Huyện mua về mấy chục mét vải phin trắng và vải sô. Mỗi người một việc, nghĩa là đám tang ông tôi đã được họ hàng chuẩn bị chu đáo lắm. Cứ vài hôm cụ Tư Đình lại vào thăm ông tôi. Hôm đó cụ chống gậy ngắm những chậu địa lan một lúc rồi tới gần giường bệnh, ghé sát tai ông tôi:

“ Cụ tai qua nạn khỏi rồi. Tôi vừa xem kỹ chậu lan Kiều Bạch Ngọc và chậu Thanh Trường vai ngang. Ngọn tuy còn tối xám nhưng chân lá còn sáng lắm. Chắc chắn sức cụ sẽ vượng dần”. Và sau đó ít lâu, như có sự kỳ lạ ông tôi đã ngồi dậy được và lại tiếp tục chăm sóc các chậu lan quý của mình.



Rồi tôi nhập ngũ, hơn mười năm bặt vô âm tín. Tôi trở về. Ông không còn nữa, những chậu địa lan cũng không còn. Mẹ tôi kể : ông con đi là một lũ một lĩ theo đi. Con Vàng nằm lỳ bên mả ông con không ăn không uống cho đến lúc chết. Dỗ dành thế nào nó cũng không chịu về. Nấm mả nhỏ nằm cách mộ ông mươi chiếc đòn gánh và mả con Vàng đấy. Rồi những chậu địa lan bén hơi ông cũng rũ ra, tàn lụi đi. Khi ông lâm chung, chả ai nhớ an ủi và cho nó để tang ông mà. Bố tôi lo theo trâu hợp tác mà ăn còn chả đủ. Mấy chiếc chậu không chỏng chơ để mãi trên dãy tường hoa. Hôm phiên chợ làng, con bê con húc vỡ 2 cái. Hôm giỗ đầu ông, mấy đứa trẻ nô nhau đánh vỡ một cái. Một cái vỡ do thầy con ném con mèo hàng xóm. Còn một cái bỏ mãi ngoài vườn. Năm ngoái ông cụ Mão xin, thầy con cho luôn. Thế là hết.

Tôi bâng khuâng, nhìn ra khoảng trống trước sân, một thời đặt những chậu địa lan đài các, phong lưu dưới bàn tay bảo vệ, chăm sóc của ông tôi, nghĩ ngợi vẩn vơ…..



(Dương Duy Ngữ)