Đặc Sắc Vườn Lan

<Dương Duy Ngữ>

***

Nhà tôi ở mãi mạn Ðại học Hà Nội còn nhà anh ở tận làng Yên Sở. Ở tuổi bảy mươi, tôi đi lại không phải dễ dàng. Nếu không có con đường vành đai ba mới mở, tôi phải qua đường Trường Chinh chật chội, liên tục tắc đường tắc xe, xuôi chợ Mơ, theo đường Minh Khai đến cầu Mai Ðộng. Chà, đã hết đâu. Lại từ cầu Mai Ðộng rẽ phải nữa. Tôi kể dài dòng vậy để thấy chuyến công du ấy với tôi nhiêu khê lắm. Do vậy tôi cứ lần lữa mãi. Chờ cái đường vành đai ba xong, tôi mới ngược ra Yên Sở.

Anh cao, gày. Da ngăm đen. Ý ở nết ăn còn in đậm dấu ấn nông dân. Nghe đồn anh thông minh, tinh tường lắm. Ðã chơi thứ gì, thứ ấy phải là nhất. Của anh cái gì cũng nhất. Nói khoác, có người bảo thế. Ðến bản thân nó còn chẳng được nhất nữa là cây cỏ, chim muông nó tuyển chọn. Ấy, nói thế đâu đã chuẩn. Cụ lưỡng quốc trạng nguyên Mạc Ðĩnh Chi đấy. Chưa có sử sách nào ghi cụ đẹp trai hay hơi bị phong độ như cánh trẻ thời nay thường nói. Vậy mà tài văn thơ, tài kinh bang tế thế và tư chất một vị quan liêm khiết của cụ vẫn hơn hết một thời, nhiều thời đấy thôi. Cứ bàn mãi về cái hơn cái kém, chẳng bao giờ có mẫu số chung đâu, chẳng bao giờ đến đích cả.

Tôi đã gặp anh vài ba lần ở nhà người bạn vong niên của tôi.

Ông bạn tôi là người chơi lan lâu đời và nổi tiếng bậc nhất ở đất Hà Thành. Nói tên ông, dân sành lan không ai không kính nể. Người ta tôn ông là bậc trưởng lão của làng lan. Lần thứ nhất, khi tôi đến chơi nhà bạn vong niên của tôi, anh nhanh nhẹn súc ấm, pha trà. Lần thứ hai vào đúng phiên chợ Mơ. Anh đem đến cho trưởng lão mấy ngọn sóc Lào và một ngọn đai châu lá to tày cái tai trâu. Không lá nào bị dập, bị nát hay bị héo. Hẳn thế nên nhiều người lầm gọi thứ hoa này là tai trâu. Ðai châu và tai trâu khác nhau đến một trời một vực. Tai trâu chỉ là cái tai trâu. Còn đai châu là giò hoa đẹp như một đai châu ngọc. Lung linh quý phái và huyền ảo. Và còn hơn châu ngọc bởi hoa tỏa hương thơm ngạt ngào, quyến rũ. Anh bảo đây là đai châu Lào. Ðai châu, đuôi sóc, đuôi cáo Lào được người chơi hoa xếp đầu bảng với thứ hoa cùng tên bởi do hoa dài, hoa to, đẹp và thơm sâu, thơm lâu. "Anh chọn à?". Tôi hỏi. Anh gật đầu. Hóa ra anh là dân chơi lan và biết chơi, biết chọn lan. Hẳn thế nên trưởng lão mới nhờ anh mua hộ lại còn hẹn hôm nào chọn gỗ đem đến buộc lan nữa.

Nhìn những chậu địa lan truyền thống thanh ngọc, hoàng vũ... và phong lan đai châu, phong lan đuôi sóc, đuôi cáo... tôi tấm tắc thốt kêu, bậc nhất Hà Nội rồi cụ ơi! Cụ phấn khởi, nét mặt nở ra rạng rỡ. Lan của mình đã được nhất thật chưa. Tôi gật gật đầu, nhất thật, Tôi khẳng định như vậy. Bởi bàn chân tôi đã đi xem hầu hết các vườn lan Hà Nội. Những vườn lan càng nổi tiếng tôi càng phải đến. Trước nay, tôi thường chỉ chú ý đến địa lan và viết về địa lan. Và địa lan truyền thống ở vườn nhà cụ như thanh ngọc, hoàng vũ... khỏi phải bàn cãi không vườn lan nào ở Hà Nội có thể sánh nổi. Anh chàng có dáng dấp nông dân ấy cũng phải gật gù. Còn phong lan? Anh ta xua tay. Dẫu đai châu nhà cụ lá dày và to phàn phạt, đường gân trên mặt lá nổi rõ như khuông nhạc do ông trời kẻ sẵn, giò hoa dài đến vài gang tay nở bồng bềnh như cái phất trần.

Anh lắc đầu. Ngay trước mặt cụ. Anh bảo chưa là gì so với đai châu nhà anh. Ấy là lần thứ ba tôi gặp anh. Ðể chứng minh, anh bật máy điện thoại di động cho tôi xem ảnh hoa đai châu nhà anh. Và như tiện thể, anh cho tôi xem cả những con gà trống, gà mái Ðông Cảo, loại gà mà ở ngay quê hương chúng cũng gần như tuyệt chủng, khiến tôi phải dán mắt vào màn hình.

Tôi chợt nghĩ, cái tay này thật không còn biết trời cao đất dày là gì nữa. Trước vị trưởng lão chơi địa lan và phong lan nổi tiếng đến cả vườn lan Hà Nội còn phải nghiêng mình, ngả mũ. Vậy mà anh ta dám... quá ư vênh vang! Tôi hỏi, anh ở hội lan nào? Lắc đầu. Nhà ở đâu? Nghiêng người, chỉ tay về phương nam, Yên Sở.

Thực lòng lúc đầu tôi không để mắt tới anh. Tôi cứ nghĩ anh là cháu trưởng lão ở quê ra chơi. Và tôi càng không nghĩ anh là người chơi lan. Nhưng khi tôi thấy anh "coi giời bằng vung" trước mặt vị trưởng lão đáng kính của tôi bằng những tấm hình gà Ðông Cảo, hoa lan đai châu trong máy điện thoại, tôi thấy phải kiêng dè và định bụng một dịp nào đó rảnh rỗi, sẽ đến tận nhà anh xem gà Ðông Cảo và xem lan. "Trăm nghe không bằng mắt thấy". Thấy thực tế kia...

Trưởng lão bảo tôi, anh là kỹ sư điện cơ, bỏ nghề. Lơ mơ như cơ điện học. Lờ mờ như điện học cơ. Say lan, yêu lan đến mức ngoại tứ tuần vẫn chưa chọn được bạn đời. Trơ trọi quá. Cụ giới thiệu cho mấy đám anh đều lảng. Lúc nhiệt miệng, đau răng, khi bận việc nhà. Nhưng hễ mách chỗ nào có lan đẹp là phóng đi ngay.

Trước khi đến vườn lan nhà anh, tôi hỏi Huy, một tay trẻ tuổi, sành lan. "Có biết anh không?" Huy bảo, bác ơi, địa lan của anh ấy thì chưa là gì nhưng phong lan thì hơi bị ghê đấy. Anh ấy còn nuôi được cả chim sơn ca đẻ trứng cơ. Riêng anh chào mào mà bác đã xem cả mấy trăm con thi hót ở sân Nhà văn hóa Trung tâm Hà Ðông hôm nọ thì không con nào địch nổi mấy con chào mào của anh ấy đâu. Tôi thốt hỏi: Thế cơ à? Vâng! Bác cứ tranh thủ đến xem tận mắt đi. Không mất công, mất sức đâu bác ạ.

Một sớm xuân, tôi quyết định, theo đường vành đai ba đột kích đến nhà anh chàng nông dân xứ Yên Sở xem sao? Mưa phùn buông nhè nhẹ. Rét dai và muộn. Sau Tết Nguyên tiêu, các loại hoa mới thi nhau nở. Ðường vành đai ba mới mở xuyên qua các làng xóm. Tôi giữ ga xe máy chầm chậm để được nhìn ngắm cây xuân, lộc xuân hai bên đường. Có lúc, tôi dừng xe chỉ để được ngắm cây mận nở trắng bong một góc vườn. Ðẹp quá. Ðào phai, đào bích năm nào tôi chả gặp. Ðến như trước sân nhà tôi ở quê còn có một cây đào phai và một cây đào bích do tự tay tôi trồng cách đây vài chục năm. Tôi để chúng tự do phát triển cành lá, tự do ra hoa một cách tự nhiên. Thằng cháu họa sĩ tạo hình của tôi thích thế. Do đó, không ai được chặt cành. Ngày Tết tôi ngồi nhấm nháp chén trà xuân, lộc cúng tổ tiên, ông bà sớm mồng một, nhìn qua khoảng sân gạch, ngắm hai cây đào đua nở rực rỡ, đã con mắt lắm. Ai đến nhà tôi lễ Tết cũng phải tấm tắc, hai cây đào đẹp quá!

Xưa kia đất rộng, vườn nhà ai chả trồng cây đào, cây mận. Dĩ nhiên đào phai thôi. Còn đào bích? Bói ở đâu ra. Mãi đến cuối thập kỷ trước, người Nhật Tân mới bứng đào bích cả gốc đem bán ở vườn hoa Hàng Ðậu, với giá đắt cắt cổ. Tiền lương còn ít, tôi đành nghiến răng thắt hầu bao mua lấy một cây. Bởi tôi mê đào bích quá. Thời ấy, thoáng chốc, đã thấy xa lắc xa lơ như cổ tích. Còn hoa mận? Bị coi là thứ hoa rẻ rúng. Ngày xuân chả ai mang mầu trắng vào nhà. Dẫu rằng mầu trắng ấy là mầu trắng tinh khiết của đất trời. Giờ đây ở làng quê, hầu như đã vắng bóng cây mận trắng. Do vậy tôi láng xe vào sát vỉa hè đứng thẫn thờ ngắm nhìn khá lâu cây mận với những chùm hoa dày đặc trắng trinh, thấp thoáng trong làn mưa bụi mỏng như rèm. Rèm trời đấy. Phải lúc lâu sau, tôi mới có thể lên đường.

Yên Sở xưa là làng có nhiều ao chuôm, làng chứa nước của Thủ đô Hà Nội, giờ đã lên phường. Nhưng đường đi lối lại vẫn là đường ngõ xóm. Một con đường lớn có nhiều ngõ nhỏ bám vào như xương cá.

Vườn lan nhà anh ở đâu, chưa thấy, chỉ có mấy giò phi điệp bám trên thân cây hồng xiêm trước cửa nhà. Phong lan phi điệp có dăm ba loại. Với con mắt của người chơi lan, tôi biết đó là phi điệp thân dài, hoa to, thơm thoang thoảng, thuộc loại phi điệp đứng đầu hàng phi điệp. Trên cây hồng xiêm còn treo mấy chiếc lồng, nhốt chim chích chòe, chào mào và sơn ca. Sơn ca đánh lưỡi hót đến rộn nhà. Lại thêm anh chích chòe, chào mào lên tiếng nữa. Thật vui. Thật thanh bình. Nghe chim hót thật chẳng còn muốn đi đâu nữa. Tâm hồn ta được tĩnh dưỡng, ngơi nghỉ như lạc vào cõi mộng...

Tôi không phải dân chơi chim cảnh. Tôi không giỏi các loại chim. Nhất là tiếng hót. Nhưng nghe cái anh sơn ca hót luyến láy như người nghệ sĩ hát thì quả không thể chê vào đâu được. Nhớ lần đi dự hội thi chim chào mào hót ở sân Nhà Trung tâm văn hóa Hà Ðông. Mấy trăm con thi nhau lên tiếng, ù hết cả tai. Tôi hỏi người đứng bên cạnh:

"Ðông vui thế này biết con nào thắng hở anh?"

"Biết đấy." Anh nói. "Bác thấy một ban giám khảo đông thế kia cơ mà. Mỗi ông chỉ theo dõi có dăm bảy con thôi. Con nào không hót, hoặc hót hết hơi, họ biết ngay".

"Con nào hót hay nhất là thắng à?"

"Không. Ví von thế này để bác dễ hiểu. Ðàn bà lắm lời là phải loại ngay. Còn chim chào mào, con nào dài hơi, sung sức, hót đến cuối cùng, con ấy thắng. Bác chờ một lát. Họ loại hàng trăm con ra giờ đấy".

Tôi gật gù:

"Ra thế".

Tôi thong thả bước vòng quanh gốc hồng xiêm. Vừa ngửa cổ xem những giò phi điệp vừa nhìn ngó những chú chim. Chúng đã dạn người, nhảy nhót trong lồng và sôi nổi hót ca. Như chẳng có chuyện gì xảy ra với chúng cả.

Trong lúc tôi chú tâm nghe chim hót, ngắm phong lan phi điệp thì anh lặng lẽ thả đàn gà Ðông Cảo. Anh bảo trời rét nên thả muộn. Tôi lại bị bất ngờ, trước lộc ngộc một đàn gà Ðông Cảo, gà trống, gà mái, gà dò, gà con. Tôi bỏ chim, bỏ lan, ngồi xổm hẳn xuống nền sân để ngắm gà. Tôi bảo: "Gà Ðông Cảo chính hiệu đây rồi. Xem nào. Ðúng là đầu gộc tre, mỏ đại bàng, mào nụ tươi đỏ cả gương mặt, dái tai rõ dài, lông mã lĩnh, đôi cánh khum khum y như vỏ trai úp, đuôi xòe rộng, chân to, vảy đỏ, không cựa, ngón tù... bước đi thật đĩnh đạc, oai vệ. Nhìn bắt mắt lắm. Có lẽ không có ảnh nào chụp được thần thái, hình dáng, chú gà Ðông Cảo này. Ðẹp quá!

Anh vui lắm:

"Thì ra chú cũng thạo gà Ðông Cảo".

"Tôi đã nuôi gà chọi, gà Ðông Cảo và gà Mía".

"Còn gà Hồ".

"Tôi chưa nhìn thấy".

"Chú thấy thịt gà Ðông Cảo thế nào?"

"Ngon đặc biệt".

"Thế lan của anh đâu?"

"Mời chú vào nhà cháu pha ấm chè ngon uống đã".

"Cho tôi xem lan xong hãy uống nước".

Anh không để lan ở nhà. Nền xi-măng, nền gạch, nắng hè hại cây lắm. Anh để ở miếng đất phần trăm. Ở đó, bố mẹ anh đang chăm mấy luống cải Mơ. Bố anh dừng tay vào vườn lan tiếp tôi. Ông cao, gày, nước da đỏ au, chân tay săn chắc. Vóc dáng ông quả là ước mơ của tuổi già. Tính ông vui, cởi mở. Ông bắt chuyện với tôi luôn. Chả phải dè chừng, giữ gìn, như những người trên phố. Tôi nhìn lá đai trâu xanh đen, to bè bằng cái tai trâu thì không thể không có lời khen. Lại còn bát bảo tiên nữa. Lá cũng to, dày từa tựa lá lan đai châu. Cho đến nay, bát bảo tiên mới chỉ có một giống do vị tuần phủ ở tỉnh Ðơ tức Hà Ðông ngày nay gây dựng. Ông mang mãi trong Hà Tĩnh quê nhà ra. Lúc đầu, nó cũng chả có tên. Vị tuần phủ họ Hoàng vốn mê bức tranh tám vị tiên cưỡi sóng vượt biển. Theo ông đó bức tranh không những đẹp đến huyền ảo mà còn ngợi ca ý chí của con người. Cho nên để đối lại với lan tam bảo sắc cùng một mùa hoa, ông đặt thứ hoa mới là bát bảo tiên.

Có người đoán loại phong lan này chỉ có ở Tây Bắc, mạn Sơn La, Hòa Bình gì đấy. Có người bảo đích thị là phong lan ở miền tây Hương Khê hoặc Hương Sơn. Vị tuần phủ họ Hoàng cười lớn: "Các vị cứ đoán đi. Còn tôi, tôi chỉ biết mua của một chú tiều phu. Nhưng tiều phu Hòa Bình hay tiều phu Hà Tĩnh thì quan không nói. Giọng lưỡi nhà quan có khác. Ỡm ờ, nước đôi".

Giò hoa bát bảo tiên to, dài long lanh, óng ả như chuỗi ngọc. Văn nhân mặc khách một thời, có nhiều người say bát bảo tiên như say mỹ nữ. Vị quan chức làng Vạn Phúc được Hoàng tuần phủ tặng cho một nhánh. Ít lâu sau có quan tầm lan, theo lệnh Vua Minh Mạng, tập trung tất cả các loại lan vào vườn thượng uyển. Hoàng tuần phủ vội dâng tặng giò hoa quý. Còn giò lan nhà quan chức làng lụa thì để ở vườn sau. Nhà quan, kín cổng cao tường nên không ai để ý. Lúc ấy, Hoàng tuần phủ cũng chuyển đi làm tổng đốc rồi. Nhờ vậy phong lan bát bảo tiên được truyền đến bây giờ.

Anh hỏi:

"Cháu tưởng bát bảo tiên là của làng Phụng Châu Văn Giang, bên Hưng Yên khai thác được".

"Không phải thế đâu. Năm ấy quan làng lụa làm nhà ngói đại khoa, thuê hai cánh thợ mộc một ở làng Chàng Sơn, Sơn Tây và một ở Phụng Châu, Hưng Yên. Dĩ nhiên tay nghề họ rất tuyệt. Nhất là thợ Chàng Sơn. Nhắc đến nghề mộc Chàng Sơn, đôi mắt bố anh rực sáng như thời trai trẻ nghe chuyện mình tâm đắc. Hóa ra ông cũng là thợ mộc. Nhưng ông chỉ đóng đồ dân dụng như bàn ghế, giường tủ... Ông hẹn hôm nào tôi phải nói kỹ về nghề mộc Chàng Sơn. Về những pho tượng La Hán, Chùa Tây Phương, Văn Miếu Quốc Tử Giám và Chùa Kim Liên ở Tây Hồ, đều do bàn tay người thợ mộc Chàng Sơn tạo dựng.

Trở lại người thợ cả của cánh thợ Phụng Châu. Ông ta thấy giò hoa lan đẹp quá. Thế là cứ lăn lóc xin bằng được một nhánh. Cho nên còn đến bây giờ. Còn vị quan chức làng lụa, năm cải cách nhà cửa, rừng ruộng vườn tược bị tịch thu. Các ông các bà nông dân phá tan tành hết cả.

Thật tiếc!

Tuy vậy vẫn có cái hay. Ấy là con cháu vị quan chức làng lụa ngày nay đều khá. Có người có đến năm bảy máy dệt và vài ba cửa hàng tơ lụa. Còn phong lan bát bảo tiên thì lan rộng khắp nơi. Vườn lan nào chả có lấy một giò. Ðấy chả phải phúc lộc của vị quan chức làng lụa ư?

Anh có vẻ thích. Muốn ghi tiểu sử bát bảo tiên. Tôi xua tay bảo:

"Không phải ghi. Tôi sẽ viết cho anh đọc".

"Chú thấy đai châu của cháu nhất chưa?"

Tôi gật đầu.

Anh bảo:

"Cháu sưu tầm mấy chục năm trời. Phiên chợ Mơ, chợ Bưởi nào cũng có mặt. Rồi chả có vườn lan nào ở Văn Giang là cháu không đặt chân tới. Thấy đai châu đẹp là mua. Mua bằng mọi giá.

Gây được một vườn phong lan quý thật khó khăn vất vả đến bội phần. Không có lòng kiên trì, không tích cực sưu tầm, không trải nghiệm ươm trồng không thể có. Không phải thứ gỗ nào cây phong lan cũng sống. Cũng sinh con đẻ cái, trổ hoa to, đẹp và đúng vụ. Ðã thế phong lan thường đẻ ít và rất khó đẻ. Hoàn toàn sai lầm nếu cho phong lan sống và ăn ở thân cây gỗ mục. Ô hay, gỗ mục đến đun còn khói um cả xóm sao lại để cho cây lan nương tựa?... Bởi lan cũng như con nguời ta vậy. Do đó phong lan kén gỗ lắm. Chẳng phải gỗ nào cũng là chỗ dựa cho lan sinh con đẻ cái đâu. Ðịa lan, dẫu quý đến mấy như thanh ngọc, đại thanh, đại hoàng thì năm nào nó cũng đẻ. Có loại như đại hoàng một năm còn đẻ đến hai lần, mỗi lần đẻ đến hai con, thậm chí ba con kia nếu anh chăm tốt. Và như vậy, có thể tách cho bè bạn. Còn phong lan, không thể nói trước. Không biết lúc nào nó sẽ đẻ. Và đẻ chỉ một mầm. Cái mầm ấy, nuôi không biết bao nhiêu năm mới tách đuợc. Do vậy phong lan quý dễ trở thành đặc hữu.

Khi bắt tay viết truyện này, tôi lại phóng xe đến nhà anh xem hoa tam bảo sắc trắng, theo lời mời của anh. Ðã gọi tam bảo sắc nghĩa là bông hoa có ba sắc quý, hồng nhạt, tím và trắng. Ba sắc ấy tạo thành bông hoa óng ánh, lung linh, quý phái và sang trọng. Bây giờ lại nảy nòi anh tam bảo sắc trắng. Chứng tỏ trong rừng nước Việt ta rất phong phú. Cây cỏ, chim muông thứ gì cũng có. Loại hoa mới này chưa ai kịp đặt tên. Nhưng bởi lá và rễ y hệt lá và rễ tam bảo sắc. Lại nở đúng mùa tam bảo sắc. Nên gọi luôn là tam bảo sắc trắng. Quý hồ tinh, giữa vườn đào phai, đào bích, đột ngột nổi trội một cây bạch đào, hay cây mận trắng, nhìn thật sướng mắt. Giữa những giò tam bảo sắc, có một giò, hoa trắng trong như lụa, lưỡi to và dài, lượn sóng có tua rua, hương thơm đậm nên ai chả dán mắt dán mũi vào. Tôi đã gặp nhiều hoa tam bảo sắc trắng. Nhưng là trắng ngà. Do đó, nhánh cây chưa đẻ con của anh đã có vô khối dân chơi lan đăng ký.

Giữa lúc đó, ông bố anh đi tới. Ông vẫn ca cẩm cái sự muộn mằn của anh. Ông bảo:

- Bác ạ. Tôi chả thấy thứ hoa nào của nó đẹp cả. Tôi nhìn dặm cả mắt. Theo tôi đẹp nhất là hoa người. Hoa người xấu đến mấy vẫn đẹp hơn hoa của nó nhiều. Tôi nói thế có đúng không, bác?

Tôi tán thưởng:

"Ông nói phải quá".

Anh chữa thẹn:

"Chưa phải duyên phải số thôi. Chứ phải duyên phải số nó khắc vồ lấy nhau ngay!".