Cổ Lan

<Sưu Tầm>



***



Chiến vô cùng ngỡ ngàng trước cái chậu lan cổ mà trong đời anh chưa một lần bắt gặp. Đó là một chậu lan lá xanh đen bóng mỡ màng, vặn rủ ôm chậu như dáng tao nhân mặc khách, đến là lạ! Bụi lan được trồng trong một cái ang cỡ lớn đường kính phải đến hơn 1 mét, ang và đôn đều đen ánh màu đá hoa cương. Cạnh đó là cây vạn tuế cao lút đầu người cành lá xum xuê tựa cây vạn tuế ngàn tuổi ở đền Hùng.

Cả hai đều được đặt trang trọng nhất mảnh sân trước cửa ngôi nhà ngói cổ. Có điều rất lạ là cây vạn tuế thì được cột bằng ba sợi xích honda khoá vào gốc rồi dòng xuống những cái khuy bằng sắt xoắn cỡ mưới sáu ly chôn xuống nền sân. Còn chậu địa lan thì được trang bị bởi một cái lồng sắt lưới B40 rào kín xung quanh khoá chặt. Chơi cây mà phải bảo vệ bằng khoá đồng Minh Khai cỡ to như miếng đậu phụ rán để chống cắt, chống phá thì còn gì là đẹp nữa. Ở thời mở cửa này, đến tượng Phật bà nghìn mắt nghìn tay ở chùa Tây Phương và chùa Gồ nặng năm bảy tạ mà bọn bất lương còn đục tường gạch khiêng trộm từ ngọn núi cao hàng trăm mét xuống được nữa là cái cây cảnh ở chốn Đô Thành!

Đứng trước hai chậu cây cảnh đẹp hoành tráng có một không hai này, Chiến không sao giấu nổi sự ngưỡng mộ của mình hiện ra nét mặt. Anh xoay vòng tròn đủ 360 độ, ngắm kỹ từng cái lá lan, gật đầu tỏ vẻ sành lan lắm.

Chủ nhân là một người tấm thước, trạc tuổi Chiến, mái tóc húi cao đen ánh mà hàm râu quai nón lại bạc trắng lởm chởm như mầm mạ. Thấy Chiến ngắm mãi cây lan nhà mình, ông nói:

- Cây lan gia phả sống của dòng họ tôi đấy!

- Ông nói vậy nghĩa là thế nào?

- Chuyện dài dài, mời ông vào nhà uống chén trà, nếu ông thích tôi sẽ kể ông nghe.

- Dĩ nhiên là tôi thích. Rất thích nữa là đằng khác. Nếu không phiền tôi xin được nghe chuyện của ông. Nhưng xin ông cho mang hai cái ghế đẩu ra đây, tôi vừa được ngắm lan vừa được nghe ông kể.


Địa Lan Thanh Ngọc

Chẳng hiểu lý do gì dòng họ Nguyễn Giáp ở Làng Định không có gia phả thành văn. Không có gia phả thành văn thì không rõ cụ thuỷ tổ chi Nguyễn Giáp lập nghiệp ở làng Định từ năm nào và cho đến nay đã được bao nhiêu năm. Các cụ chỉ truyền miệng. Đời trước truyền lại cho đời sau. Đến ông Nguyễn Giáp Đào, chủ nhân ngôi nhà này là trưởng tộc đời thứ mười một, và dĩ nhiên, đời cháu nội ông là đời thứ 13. Mười ba đời gắn bó với một chậu lan. Nói cách khác, chậu lan cổ sắp đi qua đời thứ 13 của một chi họ. Chi Nguyễn Giáp.


Quê gốc của cụ thuỷ tổ chi Nguyễn Giáp mãi tít tận Hương Sơn, Hà Tĩnh. Năm cụ lên 2 tuổi thì cha mẹ đi rừng không may bị hổ vồ. Ông chú ruột cụ đi cùng chuyến ấy may mắn chạy thoát thân. Tuổi còn trẻ, ông chú ruột lúng túng chả biết nuôi dạy cháu thế nào đành đem cho vợ chồng người buôn Trầm ở làng Định, họ đã ngoại ba mươi mà vẫn chưa có một mụn con. Từ khi nhận cụ thuỷ tổ về nuôi thì năm sau vợ chồng người buôn trầm sinh luôn được một thằng con trai kháu khỉnh. Họ mở tiệc khao làng và cho rằng cái phúc của vợ chồng mình là phải nhờ vào việc dưỡng tử mà có được. Do vậy, vợ chồng họ đặt tên cho con nuôi có tên đệm là Giáp. Nguyễn Giáp. Còn con đẻ lấy chữ lót là Ất, Nguyễn Ất. Tự cổ xưa, hai chi luôn là anh em cành trên cành dưới. Con cháu hai chi không được lấy nhau. Mọi việc quan trọng, các cụ hai chi Nguyễn Giáp và Nguyễn Ất đều phải xin ý kiến nhau. 

Năm cụ thuỷ tổ chi Nguyễn Giáp mười tám tuổi thì được cha mẹ nuôi dựng vợ gả chồng rồi cho về thăm quê cha đất tổ. Cho đất làm nhà, mảnh đất xưa bây giờ chính là nền đất của từ đường dòng họ. Hai vợ chồng về thăm quê, ông chú ruột mừng chảy nước mắt. Lúc chia tay ông chú còn rưng rưng: “ Tau mừng cho mi có nơi có chốn lại nhớ về gốc rễ. Lúc bố mạ mi chết, mi còn nhỏ, ruộng đất nỏ có chi. Còn mái lều tranh vách đất tê ở cuối vườn ni, để lâu dột nát, tau dỡ bỏ đi. Chỉ còn hai cây ni. Một là chậu lan trồng trong cái vại sành vỡ kia. Hai là cây vạn tuế trồng cạnh cây nhang tề. Năm nớ bố mạ mi vào rừng chặt gỗ giúp tau dựng ngôi nhà ni. Bố mi kiếm hai cây nớ viền, nói: trồng kỷ niệm mừng tau có nhà mới. Chừ vợ chồng mi đã vô quê, viếng mộ bố mạ mi, tau chả có chi, tau kỉ niệm lại vợ chồng mi hai cây này. Bọn mi mang ra ngoài nớ mà chăm sóc. Cây vạn tuế thì trồng mô cũng sống, còn chậu lan kia, bay nhớ chăm sóc cẩn thận, thường ở trong rừng nó sống nhờ mùn mục, vỏ cây, lá rụng, chỗ có ẩm, nhưng nếu sũng nước là nó chết, tau trồng nó bằng mùn táu lấy trong rừng về, khi nào mùn trồng mục thì nhớ thay chất trồng cho nó, kẻo nó chết. Cái cây lan này lạ lắm, năm nào cũng nở hoa vào Tết, thơm nức cả nhà, quý lắm đấy, cố mà gìn giữ. Sau này tụi bay có con cái ráng dặn chúng nó gìn giữ hai cây này như là bảo vật để nhớ về nguồn cội. Cái cây nó cũng như con người, phải có gốc rễ mới ra hoa kết trái, hỉ?”


Vậy là chậu lan và cây vạn tuế được cụ thuỷ tổ mang từ quê ra và dĩ nhiên nó đồng niên đại với chi Nguyễn Giáp ở làng Định. Chỉ tiếc các cụ không lập gia phả nên cũng chả rõ nó đã có mấy trăm năm. Tương truyền rằng, đời thứ 5, n gày Mậu Dần, giờ Ất Sửu, cụ trưởng chi mơ gãy liền ba chiếc răng cửa, máu tươi phun như tiết gà. Đi xem, thầy phán: mơ dữ quá, nội trong ba tháng có người chết bất đắc kỳ từ. Thời gian đó, chậu lan đột nhiên nảy thêm một nhánh, nhánh đó lại cho hoa giữa mùa hè. Nhánh lan và chồi hoa lớn nhanh kỳ lạ. Cụ tổ đời thứ năm rầu rĩ về giấc mơ dữ, thấy chậu lan nảy mầm mới to khoẻ lại đẻ thêm chồi hoa trái mùa nữa thì lấy làm mừng lắm, hàng ngày lo tưới tắm, lau lá, chăm sóc nó quên bớt buồn lo.

Ông Đào chỉ vào chậu lan nhốt trong cũi sắt bảo:

- Chính là chậu lan đây này. Ông xem cái lá nó mới cong cớn uyển chuyển, mềm mại làm sao. Hoa của nó thơm lắm ông ạ, ngày Tết, nó ra đến vài chục dò hoa, hương thơm toả xa đến tận đầu làng, thơm hơn cả hương trầm đốt cúng tổ tiên. Cần hoa thì thẳng tắp, như người quân tử. Hoa thì xanh muốt một màu, khi có ánh sáng mặt trời chiếu vào thì trong suốt như ngọc, như pha lê. Vậy là vừa có cương vừa có nhu, thật tuyệt. Hàng năm nó đẻ nhiều nhánh lắm. Nhưng qua mấy đời không biết chăm sóc nên nó chỉ còn lại có từng này. Bao nhiêu người chơi lan đến hỏi mua nhưng tôi tuyệt không bán. Tiền thì quý thật nhưng làm thế có tội với tổ tiên. Dân chơi lan gọi nó là cây Đại Thanh. Đại tức là to lớn, Thanh nghĩa là xanh, Đại Thanh tức là bông hoa to màu xanh ông ạ. Có lần họ ngã giá đến 8 triệu một thân nhưng tôi vẫn nhất quyết không bán. Nghe truyền dạy từ đời cha tôi, tôi phải ngó ngàng chăm sóc nó hàng ngày, tưới tắm chăm sóc, phải gửi người mua mùn táu tận quê Hương Sơn, Hà Tĩnh gửi ra đây để thay cho nó mỗi dịp sang chậu.


Ông Đào chiêu một ngụm nước chè, hắt một hơi thở dài não nuột. Đôi mắt mơ màng nhìn vào chậu lan, lại như không hẳn nhìn vào đó. Hay là ông nhìn vào cõi xưa, lắng lòng trước sự đau đớn, mất mát của tổ tiên.

- Cụ không ngờ, nhánh lan sinh ra, lớn nhanh, nở hoa trái mùa là điềm báo cụ không có người nối dõi. Tháng sau, người con trai duy nhất của cụ mới được hai mụn con gái nghe theo bạn bè đi buôn bên Tàu, chẳng trở về nữa. .Buồn chán, cụ chẳng màng chăm sóc chậu lan để nó chết dần chết mòn còn lại được mấy thân lẻ loi. Vài năm sau cụ qua đời. Em trai cụ được ăn thừa tự chậu lan và cây vạn tuế. Truyền được bốn đời, tức là đời thứ tám thì chậu lan còn loe ngoe được dăm bảy thân đột nhiên toàn đẻ sừng trâu, tức là mỗi thân già đẻ ra hai thân con và ra hoa giữa mùa hè. Các thân lan con lớn rất nhanh, lá to và mỡ. Nó báo hiệu sự đứt đoạn của đời thứ tám đây. Cụ sợ lắm. Năm ấy cụ chưa đầy ba mươi tuổi.. Chưa đầy ba mươi tuổi đã đẻ liền bốn đứa con gái. Cái gương đời thứ năm còn đó. Chả lẽ cụ lại không có người nối dõi nữa sao? Cho nên, chậu lan nảy được mầm hoa nào là cụ vặt đi mầm đấy. Nhưng vặt chỗ này nó lại nảy mầm hoa chỗ khác. Đêm thức dậy, nghe cây lan vặn mình trong gió trèo trẹo, nghe vừa ghê tai vừa xót ruột. Sáng dậy, thấy những chỗ cụ vặt mầm hoa ứa nhựa còn cái mầm hoa vặt đi thì lại nảy luôn chồi hoa kế theo. Tự cổ chí kim chưa ai thấy hiện tượng lạ như thế bao giờ. Không được tận mắt chứng kiến chả ai mà tin nổi. Cụ sợ quá, không dám đụng tay vào mầm hoa nữa. Chả ai hiểu hết cái sự huyền bí trong vũ trụ. Bỗng đâu cây lan nảy mầm mới, ra hoa giữa mùa hè, vặt đi không được. Còn con người chăm sóc nó thì không có người hương khói.

Ngày Giáp Tý, giờ Mậu Dần, cụ mê lạc vào rừng. Trong rừng có nhiều bươm bướm quá. Bướm trắng, bướm vàng, bướm xanh, bướm đen, bướm nâu…đậu kín khe suối cạn như một tấm thảm đa sắc tuyệt đẹp. Bị động đột ngột, đàn bướm bay rợp mắt. Giữa lúc đó xuất hiện ba con chim sâu vừa mới ra ràng, chúng vừa kêu chíp chíp vừa bay nhảy từng đoạn ngắn. Cụ rẽ đàn bướm bay nháo nhác nhè con chim út đàn đuổi bắt. Và lần nào cụ cũng vồ hụt. Lần sau cùng cụ vấp vào cái rễ cây, vập mặt vào đó, môi sưng vều. Cụ choàng tỉnh.

Thầy đồ già trong làng nghe cụ kể, cười trơ hai hàm lợi nhẵn thín không còn cái răng nào. Thầy đồ nói:

- Giấc mơ nhằm giờ Dần, tức là đã cuối đêm lại không thấy máu tươi nên không độc. Có điều nhà anh sinh toàn con gái, mơ gặp cả đàn bướm. Bướm đậu kín suối bay rợp mắt. Còn chim thì chỉ có ba con. Anh đuổi mãi mà không bắt được….Thầy đồ cười mãi, cười chảy nước mắt xua tay bảo: thôi anh về đi, yên tâm làm ăn, không có chuyện gì dữ đâu.

Cụ trưởng chi đời thứ 8 nghe thầy đồ giải mã, bực mình, tặc lưỡi, cái lão đồ già thật ỡm ờ. Cứ nói toẹt ra rằng mình chỉ đẻ toàn vịt giời lại còn úp úp mở mở. Đã thế, ông cưới chục con vợ xem nào. Chả lẽ không có đứa nào biết đẻ con giai.

Cụ nghĩ sao làm vậy, bán một phần sản nghiệp cưới vợ lẽ thật. Chưa tròn bốn năm cụ cưới thêm bảy vợ nữa. Dãy nhà ngang tám gian bên từ đường bây giờ có đặt mỗi gian một bài vị, một bát nhang là thờ tám vợ cụ ở. Tám vợ sinh hạ ngót bốn chục lần thì ngót bốn chục lần đều là con gái. Ba người đàn bà hợp lại đã thành cái chợ. Nhà cụ ngót năm chục đàn bà con gái, suốt đêm, suốt ngày ầm ĩ tiếng trẻ con khóc, tiếng trẻ con trêu chọc, kiện cáo, cãi cọ, tiếng các bà mẹ xót con đinh tai nhức óc, mất ăn mất ngủ, huống chi là cụ phải gánh vác cả đại gia đình toàn vịt giời là vịt giời ấy. Rốt cuộc, cụ phải tống khứ mỗi bà vợ ở một nơi để giải thoát cho mình, cho xóm làng.

Trở lại chuyện cây lan Đại Thanh. Theo quan niệm thời đấy thì “Nhất Nam viết hữu, thập Nữ viết vô”. Biết không thể cưỡng nổi mệnh giời cụ rất buồn chán. Nhiều lân cây lan Đại Thanh bị cụ bỏ cạn chết khô chết héo, lụi dần gần như cả khóm. Nhưng nhờ sức sống mãnh liệt, bền bỉ, mưa xuống nó lại xanh tổt trở lại. Trong chi xót thương thân phận cụ trưởng, xót thương chậu lan Đại Thanh tội nghiệp mà không ai dám hé răng. Sợ cụ trưởng tủi thân tự ái. Cũng không ai dám thay cụ chăm sóc chậu Đại Thanh. Bởi làm như thế hoá ra miệt cụ trưởng.


Trước khi sang thế giới bên kia, cụ trưởng chi có làm vài mâm cơm cúng tổ tiên mời những người chủ chốt trong hai chi Nguyễn Giáp và Nguyễn Ất tới dặn rằng: cụ hiến toàn bộ đất nhà cụ làm từ đường. Còn tám gian nhà ngang kia đê thờ tám bà vợ xấu số của cụ. Kể từ đó, chi Nguyễn Giáp có từ đường không phải thờ tổ ở nhà cháu trưởng nữa. Chậu lan Đại Thanh và cây vạn tuế để lại từ đường, trở thành tài sản của cả họ.

Ông Đào chiêu một ngụm nước khẽ hất hàm hỏi Chiến:

- Bây giờ hẳn ông đã hiểu tại sao chúng tôi phải làm lồng sắt và dây xích khoá lớn để bảo vệ cây rồi chứ? Đây là câu chuyện có thật của dòng họ chúng tôi, vậy mà con cháu nghe cứ như huyền thoại. Đoạn cụ tổ đời thứ tám của chúng tôi sinh toàn con gái, cuống cuồng lo sợ không có người giữ ấm bát nhang là thật người, thật đau, chúng nó lại cứ cười lăn cười bò. Chúng nó bảo huyền thoại, huyền thoại. Các cụ tổ khéo tạo một cuốn gia phả nghe quá mùi mẫn. Thế nhưng chậu lan Đại Thanh và cây vạn tuế là tài sản vô giá, ai cũng thấy quý và lo mất cắp.

- Tôi hỏi câu này nếu có gì không phải mong ông bỏ quá cho! - Thấy ông Đào cởi mở, Chiến hỏi.

- Ông cứ tự nhiên.

- Nếu bây giờ ông ngủ mê lại thấy chậu lan Đại Thanh nảy mầm mới kèm theo chồi hoa giữa mùa hè, ông có sợ không?

Chủ nhà vỗ đùi, cười phá lên:

- Tôi hiểu ý ông. Tiền nhân đã qua mình có gì phải sợ. Đã là ý trời, có lo, có sợ cũng chả cưỡng lại được. Chẳng cần mơ đâu ông ạ, nhỡn tiền ngay đấy. Thằng cả nhà tôi đấy, nó đẻ có mỗi đứa con gái đã thôi. Cháu lên mười tuổi học lớp bốn, bảo nó đẻ nữa nó lắc đầu quầy quậy. Nó còn cười hô hố mà bảo ai cần chỉ tiêu đẻ nữa nó cho không biếu không luôn. Mỗi thời mỗi khác, nó chả theo gương cụ tổ đời thứ tám mà đẻ đến bốn mươi người con gái nữa đâu. 

- Nói thật, nhiều lúc tôi buồn tới mức không thèm nhìn mặt cái thằng cả nhà tôi.

- Ông vừa nói, số trời là vậy còn buồn lo làm gì?

- Vẫn biết vậy, nhưng tôi buồn là buồn bởi cái cách sống thực dụng của đám trẻ ông ạ.

- Tuổi trẻ nó thế đấy, như cánh chúng ta, lúc còn trẻ mấy ai nghĩ đến tổ tiên, quê quán? Nhưng đến lúc cao tuổi lại ngẫm lại về nguồn cội. Như cái cây, cái cành lá cứ vươn mãi nhưng lá nào chả rụng về cội.

- Ông nói có lý, nhưng nhìn cái cách sống của chúng nó tôi vẫn buồn vẫn lo không chịu nổi ông ạ.

Chia tay ông trưởng họ Nguyễn Giáp làng Định, một làng quê trù phú đẹp như tranh vẽ chốn ngoại ô. Chiến cũng bị nhiễm một nỗi buồn bâng khuâng của ông Đào. Mỗi làng quê, mỗi dòng họ chúng ta như bài toán khó còn tiềm ẩn biết bao nhiêu điều huyền bí và lời giải…..



(st)