Tiệc Hoa

<Dương Duy Ngữ>

***

Tôi chỉ nghe quen người ta nói đến tiệc thành hôn, tiệc sinh nhật, tiệc chiêu đãi…..chứ chưa nghe nói đến tiệc hoa bao giờ. Thật là phú quý sinh lễ nghĩa, ở thời mở cửa dẫu đầu óc các nhà văn có thưởng tượng đến mấy cũng chả thể bằng được cuộc sống đang diễn ra hàng ngày, hàng giờ, sôi động và phong phú.


Tò mò, tôi quyết định du hành một chuyến ra ngoại ô phía nam kinh thành Hà Nội. Tôi tìm đến địa chỉ của người hàng năm vào độ mồng bốn, mồng năm tết ta lại mở tiệc hoa……

Đó là một buổi sáng cuối năm. Sương mù dâng phủ đến mờ mắt. Rẽ xe vào con đường làng, tôi phải về số, giảm tốc độ, chạy như bò.

Tôi tắt máy, hồi hộp đứng trước cái cổng ngõ, mái cuốn vòm bằng gạch chỉ cổ kính, rêu phong, bờ rào toàn là cây thanh quýt lá tròn như vỏ hến và đầy gai nhọn, tốt lút đầu người, được cắt tỉa kĩ lưỡng, phẳng phiu tựa bức tường xanh. Vậy là chủ nhân ngôi nhà này vẫn còn giữ theo nếp cũ trong khi xung quanh, hàng xóm đã lên nhà lầu, cánh cổng bằng sắt và có bờ rào xây…..

Tôi đưa mắt nhìn quanh khuôn viên. Đó là một cái vườn rộng ước chừng trên dưới một sào Bắc bộ đặc quánh sương mù. Những chậu địa lan lờ mờ như cỏ dại. Sau khi chủ khách an toạ, ông chủ nhà ung dung tráng ấm, pha trà. Nhìn động tác thư thái, đàng hoàng của ông, tôi phát thèm. Bởi tôi chưa phút giây nào được nhàn nhã như ông. Mới lại, phong cách làm báo cũng thúc ép con người ta phải khẩn trương, đi khẩn trương, lấy tư liệu khẩn trương. Viết bài khẩn trương, khẩn trương đến vội vàng. Trà nước xong, chủ nhà thủng thẳng hỏi:


-Rét mướt thế này mà ông vẫn đến tìm tôi, hẳn có việc gì quan trọng?

-Chả có việc gì đâu, chả là tôi nghe nói xuân nào ông cũng mở tiệc hoa nên đến xin thỉnh giáo, nếu không phiền xin ông kể cho nghe được không?

-Ồ, tôi cứ nghĩ việc gì quan trọng lắm cơ. Sương gió, rét muốt thế này mà ông ở thành phố lặn lội đến nhà tôi. Xin đa tạ sự quan tâm của ông đến cái tiệc lan của tôi. Tôi xin cải chính một chút là tiệc lan chứ không phải tiệc hoa đâu nhé. Nếu gọi là tiệc hoa thì phải có biết bao nhiêu thứ hoa trên bàn tiệc, đằng này, tôi gọi là tiệc lan nghĩa là chỉ có hoa địa lan thôi. Duy địa lan cũng đã có hàng trăm loài. Ông hẳn biết hoa địa lan chứ?

-Thú thực là tôi cũng chỉ biết qua màn ảnh nhỏ thôi.

-Vậy thì mời ông cứ thưởng trà đã, chút nữa sương tan, tôi sẽ dẫn ông ra vườn xem địa lan.

Gọi là tiệc có vẻ oai, có vẻ to tát chứ thực ra bữa tiệc chỉ có mấy người bạn trồng lan tri âm, tri kỷ với nhau, có chậu lan nào đẹp là bê cả đến nhà ông, bày cả lên dãy tường hoa trước cửa kia. Rồi vừa nhâm nhi chén trà Thái, ly rượu thuốc vừa bình phẩm. Chè Thái do đích thân một người bạn từ Đại Từ mang xuống. Ông bạn tự mình chăm sóc, sao tẩm. Ông ấy không biết trồng địa lan nhưng cứ đến hẹn lại lên, mang theo mấy lạng chè tuyệt hảo, nguyên chất, không pha tạp bất cứ một thứ hương vị nào. Dẫu đó là hương hoa nhài, hoa sói, hoa ngâu. Bởi hương chè sen thì hắc, hương ngâu thì nồng, hương nhài thì nhạt. Nói ra lại bảo hay triết lý. Chả có cái gì bằng cái thực chất của chính mình, cái thực chất muôn năm! Chả thế, rượu ông cũng kén. Rượu uống ngày tiệc đâu phải là thứ rượu tạp nham ở ngoài quán đem về. Mà phải là rượu nếp do tay bà vợ ông chưng cất, ông bỏ công lên tận phố Lãn Ông chọn những vị thuốc bắc thật tốt, bốc theo đơn kê sẵn, rồi cho thuốc vào hũ sành, hạ thổ từ mùa đông năm trước tới mùa đông năm sau mới mang lên. Ông chắt mấy chai biếu giâu gia uống tết, còn lại ông dùng đón năm mới mở tiệc lan. Ông cam kết, con người ta phải có tí men tây tây một chút nó mới bốc. Mới dốc ruột, dốc gan. Thử hỏi còn sung sướng nào bằng những người tri âm, tri kỷ được dốc lòng, dốc ruột với nhau. Lúc ấy, con người ta đẹp lắm, trong sáng vô tư lắm, khẳng khái lắm! Sự thật muôn năm! Ông cao hứng lại hô khẩu hiệu.

Nhưng suy cho cùng, ông bảo, nếu không có sự tin cậy của tình bạn thì tiệc lan của ông cũng chả có nghĩa lý gì. Tiệc lan, đâu chỉ có tiệc lan mà là nơi để bạn bè tâm sự, gỡ cởi nỗi lòng. Bao nhiêu điều trầm uất, khúc mắc đã được giải toả. Hãy nhìn vào những chậu địa lan kia. Nó đẹp, nó sang bởi vì nó thanh thản, nó tinh khiết…..giữa nắng và gió, giữa bão và mưa, cát và bụi. Nó đã đơm cho đời những dò hoa và hương thơm tuyệt hảo mà không một loại hoa nào có được. Trong bữa tiệc lan, ông bình mãi những chậu địa lan, những dò hoa mà không hề nhàm chán. Mỗi năm lại phát hiện thêm một điều lý thú, một sự so sánh giữa lan Đại mặc với lan Mặc biên, giữa lan thanh trường với lan thanh ngọc.

Ông mỉm cười hỏi tôi:

- Ông đã nhìn thấy loại hoa nào có cánh hoa đen ánh như mực Tàu chưa?

- Tôi chỉ nghe nói ở bên Tây người ta có hoa hồng đen và hoa hồng xanh. Còn nhìn tận mắt thì chưa. Tôi thành thực.

- Vậy mà địa lan có loại cánh hoa đen ánh như mực Tàu, có loại xanh biếc như lá chuối đấy ông ạ.

Tôi giật mình bán tín bán nghi, hỏi lại:

- Địa lan có hoa xanh, hoa đen, thật hả ông?

- Chẳng lẽ tôi lại nói dối ông. Chốc nữa tan sương mời ông ra vườn xem khắc rõ.

- Hoa xanh hay hoa đen quý hở ông?

- Mỗi loại có một vẻ đẹp riêng ông ạ. Nhưng theo các cụ truyền lại thì cái anh mặc lan đứng đầu bảng.

Tôi sốt ruột, vô tình cắt ngang lời ông:

- Mặc lan màu gì hở ông?

- Hoá ra ông cũng mù chữ Hán? - Ông tủm tỉm cười.

- Có thế, tôi không chỉ mù chữ Hán mà còn mù cả chữ Pháp, chữ Nga,…..

- Các cụ đã gọi mặc lan rồi còn hỏi là màu gì. Chứ Hán mặc là màu đen, mặc lan là lan đen.

- Mặc lan nở vào mùa nào hở ông?

- Mùa này, vào đúng dịp Tết ta.

- Vậy mà tôi vẫn nghĩ, trong ngày Tết, chả ai muốn để màu đen trong nhà?


Chủ nhân lại mủm mỉm cười. Ông bảo, sự thắc mắc của tôi cũng là của các ông hàng chục năm trời. Tại sao các cụ lại xếp mặc lan đứng đầu các loài địa lan? Tại sao đón xuân mới lại đặt chậu mặc lan ở vị trí trang trọng nhất? Hết tiệc lan năm này đến tiệc lan năm khác vẫn không ai giải đáp nổi. Mặc lan đẹp thật, sang thật, dung dị thật. Thử hỏi kiếm đâu ra loại hoa cánh cứ đen anh ánh, mà hương thơm kín đáo thế, tinh khiết, thanh tao như thế? Chỉ tội nó màu đen. Ngày Tết ai mà để màu đen trong nhà? Chung quy chỉ vì dốt! Vì dốt nên hay thắc mắc vớ vẩn. Thắc mắc những sự không đâu. Thật khốn khổ cho cái sự dốt! Lời giải đã có từ ngàn năm mà không biết.

Ông chủ lại mỉm cười:

- Xin lỗi ông, tôi có hơi quá lời không? Tôi nói thực lòng. Nói về chúng tôi, những người tham dự tiệc lan tôi tuyệt nhiên không dám nói ánh ỏi đến ai. Bởi vì chính ông vừa rồi đã chả hỏi tôi về cái màu đen và tại sao lại đón xuân bằng màu đen? Tôi trót lỡ, mong ông thông cảm.

Tôi vội thưa ngay:

- Các cụ đã dạy, đi một ngày đàng, học một sàng khôn. Hôm nay tôi thật là may mắn. Tôi được ông khai trí cho. Sao lại gọi là quá lời được. Xin ông nói tiếp về cái màu đen.

Chủ nhà tủm tỉm cười, chiêu một ngụm chè, xong chép chép môi, đôi mắt lim dim như đang nghĩ ngợi điều gì đó.

Theo như lời ông, mấy anh Tây học thật là tai hại. Họ đem cái màu đen chết chóc từ bên Tây khoác vào cái đám tang, làm nhiễu cái màu đen quý phái, sang trọng của mình. Mình thiếu hiểu biết nên cứ nghĩ cái vận đen áo xám đâm ra sợ, đâm ra kiêng kỵ. Ở Tây chọn màu đen làm màu tang cũng có cái lý của người ta. Ở đây chả bàn đến làm gì. Đấy là việc của người Tây. Còn mình là người Phương Đông lại khác. Khác đến một trăm phần trăm. Quay ngược hẳn đến một trăm tám mươi độ kia. Nếu không học, không đọc, không có tiệc lan để trao đổi thì làm sao biết được. Sự lý thú của tiệc lan là ở chỗ đó. Càng biết, càng ham, càng say ông ạ. Hoá ra màu đen là tượng trưng cho nước. Ngày xuân các cụ đặt màu đen trong nhà để cầu cho mưa thuận gió hoà. Ông khoe, khi biết được màu đen là màu quý của người mình thì đi đâu cũng gặp màu đen, lạ thế! Nào hoành phi câu đối thờ ở đình, chùa, từ đường gia đình….Nào ngày lễ, ngày Tết, ngày hội làng….các cụ mình mới lại đem khăn xếp, áo the ra diện, nào tranh thuỷ mặc…..

Tôi khẽ à một tiếng, tôi đã được đi nhiều nơi, nghe đủ thứ chuyện kim cổ Đông Tây. Chuyện vui cũng có, chuyện buồn cũng có. Lại may mắn được đọc bao nhiêu là sách. Nhưng quả thật, tôi chưa được biết màu đen là màu thuỷ. Cái công tôi phóng xe máy trong sương giá đến đây thật không uổng chút nào.

Chúng tôi xuýt xoa uống thêm một chén trà nữa. Tôi thấy ngoài sân sương đã loãng. Đã nhìn rõ những chậu địa lan đặt trên dãy tường hoa. Tôi ý tứ, không để ông nhìn thấy, nghiêng cổ tay trái xem đồng hồ. Đã hơn chín giờ. Sợ muộn giờ, tôi ngỏ ý muốn tận mắt được xem những chậu địa lan. Ông mỉm cười đứng dậy chiều khách.

Trưa nay, ông trời lại nắng to, chín mười giờ sáng rồi mà sương mù vẫn còn dày đặc. Chưa có thể nhìn thấy mặt trời lẩn khuất ở chỗ nào. Tôi chợt có cảm giác lớp sương mù đặc quánh này chẳng khác gì cái kén trời bao bọc lấy vạn vật. Tôi cũng có cả cảm giác bước đi trong vườn lan nhà ông như đi trong cõi tiên mờ ảo mây bay. Cứ mỗi bước, trước mắt tôi lại hiện ra một chậu địa lan hay một chậu hồng trà, bạch trà tuyệt đẹp. Tôi nói với ông, tôi không thích thú với mấy dò hoa vươn lên cao vút như thể tự khoe mình, như chứng tỏ trước bàn dân thiên hạ sự hiện diện của mình. Nó cứ trơ trơ thế nào ấy. Tôi thích những dò hoa như cố giấu mình gữa những bụi lá xanh bóng, vút cong, trông thật khiêm nhường. Chủ nhân gật đầu tỏ ý đồng tình với nhận xét của tôi. Ông bảo:

- Nhận xét của ông khá độc đáo. Nếu như ông không từ chối thì tiệc lan của chúng tôi rất hân hạnh được đón ông.

- Cảm ơn thịnh tình của ông. Tôi chỉ nghĩ sao nói vậy thôi.

- Tiệc lan hay ở chỗ có nhiều ý kiến độc lập và độc đáo. - Vừa nói ông vừa chỉ cho tôi xem một chậu lan có đến năm dò hoa vàng tươi đặt trên chiếc đôn cao. Lan này gọi là Hoàng Vũ.

Thực lòng, tôi không thích lan Hoàng Vũ chút nào. Bởi vì các bông hoa đều đồng loạt vặn mình quay về một hướng khiến nó mất hẳn đi cái vẻ tự nhiên, tung tẩy giữa gió trời. Nhưng thấy chủ nhân có vẻ cao hứng, tâm đắc với loại hoa này nên tôi chỉ nghĩ vậy chứ không dám nói ra.

Ông bảo, loài hoa Hoàng Vũ này lạ lắm. Khi nào nở, dò hoa trở thành cái trụ cho hoa múa vòng quanh, ông mặt trời lên đến đâu là hoa dịch chuyển về hướng đó. Có thể vì vậy mà người ta gọi Hoàng Vũ là hoa vũ điệu đón ánh mặt trời. Sáng sớm hoa ở hướng Đông. Chiều tối ngả hẳn về Tây. Về mùa đông, nhiều hôm sương mù cả ngày không nhìn thấy ánh mặt trời vậy mà nhìn vào hoa hoàng vũ là có thể biết mặt trời đã lên đến đâu. Bởi vậy, người cổ có thể nhìn hoàng vũ để đoán thời khắc. Như bây giờ chẳng hạn, hoàng vũ đang quay đến chỗ này, cứ thẳng hướng này nhìn lên ta sẽ bắt gặp mặt trời ở quầng sáng hơi mờ kia.

Ông bảo, nhiều đêm ông cố ý rình xem hoa hoàng vũ quay trở về nơi xuất phát. Nhưng chẳng lần nào thấy được. Có lần ông bị ngủ gật. Thế là khi giật mình mở mắt ra thì hoàng vũ đã quay mặt hết về đông, sẵn sàng đón ánh dương lên.

Tôi hơi bị bất ngờ về hoa hoàng vũ. Sao tạo hoá lại sinh ra loài hoa kỳ diệu đến thế. Tôi hết nhìn khoảng trời đục, nơi vừng dương còn bị chìm lấp trong lớp sương mù sánh đặc tựa sữa trời lại cúi nhìn những dò Hoàng vũ, cố tìm điều huyền diệu đang ẩn tàng trong mỗi cánh hoa. Tôi thốt lên:

- Thiên nhiên thật là huyền bí!

Ông chủ đế thêm:

- Tôi thật là dại. Tôi đã thức trắng mấy đêm. Để làm gì cơ chứ? Tại sao tôi lại tò mò như thế nhỉ?



(st)