Tuyệt Chiêu
<Sưu Tầm>
***
Tôi không có điều kiện để trở thành hội viên Hội chơi lan Hà Nội. Bởi nhà tôi không có chỗ trồng lan và phát triển vườn lan. Dẫu vậy lần nào sinh hoạt Hội, tôi cũng được mời đến dự. Ông chủ tịch Hội bảo, ở thời buổi kinh tế thị trường, nhà sản xuất không chỉ cần có nhà nước, nhà khoa học mà rất cần có nhà văn hoá nữa. Ông chủ tịch đánh giá cao tôi, khiến tôi ngượng chín cả vành tai. Hội không sinh hoạt ở một vườn lan cố định nào. Năm trước ở vườn lan này, sang năm luân chuyển tới vườn lan khác. Do vậy các hội viên thích lắm. Họ học hỏi được kinh nghiệm của nhau. Tôi phát hiện thấy một điều các thứ lan quí, họ thường giữ độc quyền chơi ít khi chịu bán hoặc trao đổi với nhau. Tại sao thế nhỉ?
Hội lan thường sinh hoạt vào một sáng chủ nhật từ mồng bốn Tết đến mồng mười Tết. Đó là thời kỳ hoa địa lan đang độ sung mãn. Địa lan, xem lá quả là khó phân biệt loại nào với loại nào. Phải người sành lan lắm mới biết. Còn xem hoa, độ chính xác thật cao. Loại hoa nào ra loại hoa ấy.
Năm nay, Hội lan gặp gỡ đầu xuân ở nhà anh Cương làng Cót. Anh Cương trẻ, cao ráo, mái tóc điểm sương đôi ba sợi. Anh bày một dãy lan trước hiên nhà. Tôi hơi bị ngỡ ngàng trước kiểu bày lan của anh. Cứ một chậu lan xịn lại có một vài chậu lan rởm cùng loài ở bên. Thanh trường ta, cạnh Thanh trường Tàu. Mặc biên ta cạnh Mặc biên Tàu cấy mô... Bạn chơi lan tha hồ phân biệt của nội truyền thống và của ngoại gây mô. Hoá ra cái anh lan ta đã được các cụ chọn lọc kĩ lưỡng, nuôi trồng nhiều năm qua tay nhiều thế hệ, chăm sóc khác cái thứ lan Tàu cấy mô, sản xuất hàng loạt, đến một vực, một trời. Khác từ cái lá, cái hoa đến mùi hương. Địa lan ta hoa thoáng, to và sai. Mỗi ngồng hơn lan Tàu dăm bảy bông. Lá cứng chứ không ẻo lả, bấy bớt. Tôi nhìn kĩ vào từng lá lan. Trời ơi, cái ông Cương này chăm sóc lan thật kĩ lưỡng. Cái lá nào cũng bóng xanh, bóng xanh tới mức tôi nhìn gần vào còn thấy rõ gương mặt mình. Tôi muốn khen anh mấy câu, nhưng lại sợ thừa. Có đặt lan ta lan Tàu ở cạnh nhau mới thấy rõ. Không một lời giới thiệu quảng bá. Ai cũng muốn dừng lại trước các chậu lan và sôi nổi bàn luận
- Lan thứ thiệt. Lan xịn, ông này kiếm đâu ra nhiều lan đẹp đến thế. Các ông thấy không. Có đặt lan truyền thống của các cụ mình cạnh anh lan Tàu mới thấy rõ cái đẹp, cái dõng dạc, cái mùi thơm đậm, toả xa của lan xịn.
- Ông Cương ơi, hôm nào san xẻ cho cánh mình, mỗi người một vài thân lan xịn đi.
Cương chỉ cười. Bị thúc ép quá, Cương bảo:
- Cứ biết vậy. Sau rằm tháng giêng, mời các bác đến, anh em mình bàn sau. Bây giờ mời các bác vào nhà nhắp chút rượu xuân.
Cương mời đến mỏi mồm nhưng chẳng mấy người chịu vào nhà an toạ. Mấy khi có được nhiều thứ lan quí như ở nhà Cương. Ai cũng muốn khắc sâu vào bộ nhớ của mình, cái lá, cái hoa, lan quí khác với lan cấy mô bày bán ở chợ Tết và các vườn lan đại trà như thế nào.
Giời ơi, không có lan đẹp đặt cạnh lan gây mô thì ai phân biệt nổi. Nhất là chỉ nhìn vào lá lan thôi. Đến sành lan như ông cụ Chi, ông cụ Châu Ký, có đến ba bốn đời chơi lan còn dặn đồ đệ, xem lan tốt nhất là vào mùa hoa nở. Mà phải tới những nhà chơi lan có tiếng. Đã là thành viên của Hội lan thì ai đến nhà Cương chả có lan. Vậy mà dân nghiền lan vẫn quanh quẩn ngắm nghĩa những chậu lan rất quen mà rất lạ, mà cực kì quí hiếm, chỉ mỗi anh Cương có. Đó là năm sáu thứ lan độc nhất vô nhị chỉ duy cụ Chi Láng Thượng có thôi.
Ông cụ Chi chơi lan rất cẩn trọng và giữ độc quyền những thứ lan nhà mình. Mỗi lần thay đất, ông cụ chọn những thân già bỏ đi. Nhưng không để nguyên như thế. Ông cụ lấy dĩa, dĩa nát từng củ ra. Không ai có thể có giống lan nhà cụ. Do vậy, quãng từ áp Tết ta đến Rằm tháng Giêng là lúc hoa địa lan sung mãn, dân sành lan ở xứ Đoài, ở Hà Nội lại kéo nhau đến nhà ông cụ xem lan. ấy là sự hãnh diện riêng của cụ. Tuy vậy, ông cụ kén khách lắm. Cụ thường tự ra mở cổng ngõ. Nhìn mặt mũi khách có vẻ không đàng hoàng ông cụ cáo lỗi từ chối ngay. Cho nên, không phải ai cũng được chiêm ngưỡng lan quí nhà cụ. Vào đầu những năm 90 của thế kỉ trước, tôi có may mắn là nhờ anh bạn thân hàng xóm nhà cụ giới thiệu. Biết tôi mê lan cụ trực tiếp chỉ dẫn cho tôi nhận diện từng loại lá lan, hoa lan. Do vậy tôi thuộc lá, thuộc hoa, quen mùi hương lan nhà cụ và có thể phân biệt lan nhà cụ với các thứ lan khác.
Giống như lớp người sinh ra ở đầu thế kỷ XX, trong gia đình gia giáo, cụ được học hành đến nơi đến chốn. Học chữ thánh hiền rồi lại học chữ Tây. Làm viên chức mẫn cán ở Sở Hoả xa nhưng giỏi lý số và kinh dịch.
Cho đến bây giờ, tôi vẫn nghĩ tôi có may mắn, bởi vì, lần ấy, anh bạn nhà báo rất mê địa lan, cứ nài nỉ tôi đưa đến nhà cụ xem lan. Cánh cửa gỗ lim cũ kỹ, rêu mốc vừa mới kèn kẹt mở ra, cụ liền xua tay:
- Xin lỗi các cậu, tôi bận phải đi thăm người ốm trong Bệnh viện Đường sắt, tôi có hẹn trước với người bạn cùng đi. Vậy hôm khác mời các cậu đến nhé.
Cụ vừa dứt lời, cánh cửa gỗ đã ken két đóng lại. Dĩ nhiên chúng tôi chưng hửng, buồn ngao ngán.
ít hôm sau, tôi có anh bạn cùng khẩu đội pháo cao xạ ngày trước quê trên Đại Từ, mang cho tôi mấy lạng chè ngon. Tôi nhớ ngay tới cụ và vội vàng mang biếu. Cụ liền mở ra ngửi hương chè rồi pha luôn. Cụ khen hương chè thơm lắm, ngậy lắm. Cụ bảo ngắm đám khói dày đặc xoắn xuýt bốc trên miệng chén chè đã thấy hấp dẫn rồi. Cụ nhân nha hớp từng ngụm nhỏ. Vừa uống cụ vừa trầm tư nghĩ ngợi. Cụ tấm tắc:
- Chè này mới là chè thượng hảo hạng! Thơm, đậm, ngậy, bùi, đủ cả bốn vị. Quí quá!
Gần nhạt ấm chè, cụ bảo:
- Lần sau, cậu đừng dẫn cái cậu hôm trước đến nhé. Trông cậu ấy cao, gầy, mắt lé, mặt mũi sần sùi nhìn cứ như lính cứu hoả. Anh ta như kẻ mang lửa đến nhà mình, ghê chết!
Tôi xin lỗi cụ vì không biết xem tướng người. Cụ bảo:
- Giống lan này kĩ tính lắm. Nó kén người trồng đã đành. Nó còn kén cả người xem mặt nó nữa đấy.
À ra thế. Tôi chợt nghĩ.
Tôi có một người bạn mấy năm nay làm ăn phất lên, mua mảnh đất rõ rộng, xây biệt thự rõ to, mua cây cảnh thật đắt liền bày đầy sân. Lại làm cả giàn lan toàn bằng thép ống nước, có mái che nắng, che mưa. Anh treo đủ các loại phong lan. Lan rừng từ đai châu đỏ, đai châu trắng, phi điệp tím, phi điệp đỏ đến quế lan hương, tam bảo sắc, hoàng thảo... Lan cấy mô nào cát (li-a) nào van (đa), nào en giô, đại hồ điệp, có đủ cả các màu... Rồi địa lan đắt giá hàng chục chậu. Chả biết vườn thượng uyển ngày xưa của vua thế nào chứ vào sân cây cảnh, vào vườn lan nhà anh quả thực tôi có cảm giác choáng ngợp từ lác mắt, đến đắm mê. Thế mà chỉ vài năm sau, tôi đến đã chả còn một chậu địa lan nào. Chỉ thấy phong lan được bổ sung đầy giàn khoe đủ sắc màu, hương thơm hắc mũi và một đống chậu sứ, đôn sứ sản xuất bên nước Tàu xếp lổng chổng ở xó vườn. Tôi hỏi địa lan đâu hết rồi. Anh lắc đầu, chép miệng:
- Cái của nợ này đỏng đảnh, khó tính lắm. Mình chăm nó như chăm con mọn, nó vẫn lụi.
- Thì tôi đã bảo ông, thứ cỏ linh đài các, thanh cao lắm, trồng chả dễ đâu. Ông trồng thử một vài chậu thôi.
- Mình cứ nghĩ các ông quan trọng hoá nó kia. Khó như đánh giặc, như làm kinh tế còn làm được nữa là trồng mấy cây địa lan... Ông xem phong lan của tôi đẹp như thế. Quanh năm các loại hoa đua nhau khoe sắc.
Tôi gật gù, tấm tắc. Phong lan nhà anh đẹp thật. Tuy thế tôi không quên nhắc anh không nên gọi địa lan cao quí là “cái của nợ”. Chỉ duy câu ấy, địa lan đã chả thèm ở với ông rồi. Anh cười cười:
- Tôi cũng chả thèm trồng nó nữa. Chơi phong lan hay hơn nhiều.
Tôi nghĩ anh trồng địa lan không được nên tức nói thế thôi.
Có lần, tôi mạnh dạn hỏi cụ:
- Thường những chậu lan này nhà mình gây đã lâu chưa.
Cụ bảo:
- Tôi cũng chả biết. Tôi lớn lên đã thấy có rồi. Tôi hỏi bố tôi. Bố tôi bảo có từ thời cụ nội của ông tôi.
Ông cụ Chi có vóc người nhỏ nhắn. Râu tóc luôn cắt tỉa gọn gàng. Cụ chỉ để có hàng ria mép bạc trắng luôn được chăm chút. Lần nào đến chơi, tôi cũng thấy cụ mặc bộ đồ lụa màu gụ, là rất phẳng. Nhìn cụ cầm cái kéo cắt tỉa cây cảnh trong vườn, thật chẳng khác gì một vị tiên ông đạo cốt.
Tôi có cái may, nói chuyện địa lan rất hợp ý cụ. Do đó, lần nào cũng được cụ tự tay xúc ấm pha chè. Ông cụ không thích chè ướp sen. Cụ bảo, nó hắc quá. Mùi hương sen át mất mùi chè. Cụ cũng không thích chè ướp ngâu. Cụ chê nó nồng và nhạt. Mùa hoa, hai cây ngâu lão trước cửa nhà cụ chín vàng rực. Mấy bà hàng xóm thường sang xin cụ, vuội hoa chín đem về phơi khô làm thuốc chữa đầy hơi và mất ngủ. Cái chỗ này tôi không thạo lắm. Thấy mấy bà xin hoa ngâu bảo vậy, tôi thì biết vậy. Ông cụ thích nhất là chè Thái thứ thiệt, cánh nhỏ, cho mấy cánh vào miệng nhai thử, giòn tan, vị chát ngọt thấm mãi nơi cổ họng, vừa bùi bùi vừa thơm lựng. Cụ không thích tráng chè. Cụ bảo tráng chè như thế làm mất hết mùi hương, mất hết tuyết chè, chứ đâu phải rửa chè. Nhưng nếu là mùa hoa mộc, ông cụ lại thích vặt vài chùm hoa bỏ vào. Uống quả có vị thơm ngọt và mát của mùi hương mộc nhưng vẫn không bị mất mùi chè. Còn về mùa hoa sói, ông cụ chọn những bông sói chín trắng, căng tròn như hạt gạo nếp quýt thả vào ấm chè. Ngẫm ra, các cụ uống chè hương hoa mộc, hương hoa sói thật có lý. Ngon và thơm không thể chê vào đâu được. Tôi đã học được cách pha chè của cụ. Do vậy tôi cũng trồng một chậu hoa sói và một cây mộc. Hai thứ hoa sói, hoa mộc cũng lạ lắm. Ông cụ bảo, hoa sói chín trắng là thế mà cũng mưa rào. Còn hoa mộc nở trắng trên cành, làm trời đổ mưa phùn gió bấc. Tôi nói kinh nghiệm này với vợ tôi. Cho nên hễ thấy hoa mộc nở trắng cây, thơm mát cả ba gian nhà là bà xã nhắc các con, ông giời mưa phùn gió bấc đến nơi rồi đấy. Giặt giũ, phơi phóng, hoặc có việc gì phải đi lại trên đường thì quàng quàng lên....
Lần nào tôi đến chơi, cụ cũng thưởng chè ngon rồi mới đưa tôi đi xem cây cảnh và xem lan. Cụ không quên nhắc một vài thứ lan quí người Hà Nội còn lưu giữ được. Thanh Ngọc của cụ Trưởng chàng ở Ngọc Hà là do kị nội ông Hường ở phố Hàng Mã ngày xưa đi xứ mang từ bên Tàu về. Ông cụ cắt hết lá, gần đến cửa ải buộc nhẹ vào chân quần như vô tình vương phải rác mới qua được. Đến đời bố ông Hường mới biếu ông Hạnh phố Hàng Đồng bên cạnh một thân. Rồi con ông Hạnh Hàng Đồng lại san một thân cho bố của ông Trưởng chàng Ngọc Hà. Nhà ông Hường mất thế độc quyền. Mất luôn cả cái tiếng. Bây giờ nói đến Thanh ngọc, người ta chỉ nhắc đến Thanh ngọc nhà cụ Trưởng chàng, Ngọc Hà chả biết ông cụ Hùng cụ Hạnh là ai bởi hậu duệ các cụ chẳng còn giữ được giống nữa. Duy có Hoàng vũ của cụ Châu Ký phố Bà Triệu, là sau khi cụ Châu Ký mất, ông Cương ở Đồ Sơn mua được. Trước lúc mang chậu lan lên xe, ông Cương còn thắp ba nén hương khấn cụ Châu Ký, xin được thay cụ chăm sóc nó. Ông Cương vẫn giữ nguyên thương hiệu Vũ của cụ Châu Ký. Có ai bảo Vũ của ông Cương, ông ấy chữa ngay, của cụ Châu Ký chứ có phải của tôi đâu! Ông Cương nghĩ, cây có hồn, có vía như cây cảnh lâu năm và cây địa lan phải giới thiệu chủ đầu của nó, nó mới bền, mới đẹp, mới thơm, không biết có phải vậy không mà hiện nay Thanh ngọc nhà cụ Trưởng chàng nhiều người ở Hà Nội, Hà Tây, Nam Định, Văn Giang có nhưng chính nhà cụ Trưởng chàng lại chả còn một thân nào! Họ bảo cái lúc giá hai triệu một thân, con cháu cụ bán hết rồi. Hết lan, hết luôn cả thương hiệu. Thật tiếc cho một loài lan và một chủ lan danh tiếng đất kinh kỳ.
Bởi vậy, thấy anh Cương có đến năm loại lan quí nhà ông cụ ở Láng, tôi rất ngạc nhiên. Dẫu anh Cương không có một dòng chú thích. Thế mới gớm. Cái anh Cương này, kiêu ngầm ra phết! Ai biết thì biết. Ai không biết, cho qua.
Mọi người về hết, tôi cố nán lại, hỏi Cương cho ra nhẽ.
- Tôi thấy ông cụ bên Láng rất khảnh tính. Chẳng ai lấy được giống lan nhà cụ. Chú làm thế nào hội đủ được cả năm sáu loại nhà ông cụ thế?
Cương phá cười. Anh sung sướng, tự hào xen thêm chút tự mãn nữa. Cương hỏi lại.
- Sao bác biết em có đủ các giống lan quí nhà ông cụ bên Láng.
Tôi trả lời thủng thẳng cho ra cái vẻ cao đạo với anh:
- Nhìn thì biết. Mà chú cũng quái lắm.
- Sao bác bảo em quái?
- Do cái cách bày lan của chú đấy.
Cương lại phá lên cười thích trí. Anh chạy vào nhà mang chai vang nho và hai cái li Tiệp ra rót rượu lưng hai li.
- Em với bác, ta chạm một li. Mừng bạn tri âm tri kỉ. Trăm phần trăm nhé. Cương xoay cái nhãn rượu vang nho Pháp về phía tôi: Rượu chín sáu đấy bác ạ. Cái anh Tây này làm ăn nghiêm chỉnh lắm. Đến cái nút mở cũng ghi tên hãng và năm sản xuất.
Tôi bị suy tim, phải kiêng rượu. Nhưng ở tình thế không thể chối từ. Nếu không, chắc sẽ rất khó khai thác được những điều mình tò mò, muốn biết. Phần nữa, cái thứ rượu vang nho Pháp quốc này, theo tuyên truyền, quảng cáo uống rất có lợi cho tim mạch. Tuy không phải cái gì truyền thống hay quảng cáo đều đúng cả.
Có người bạn mới tâm đắc với lan, nhận ra thứ lan quí nhà mình. Cương vui lắm. Anh cười khùng khục, bảo:
- Ta làm li nữa, bác nhé.
Tôi vung tay, mạnh bạo:
- Thì li nữa.
Chạm chén xong, Cương nói:
- Bác có công nhận với em, cái gì cũng phải có duyên không? Người có cơ duyên dù vô tình cũng thành hữu ý. Người không có duyên hữu tình thành vô duyên. Thường ngày, em đi bẫy chim rất xa. Chiều hôm ấy, sau vài tuần mưa xuân, rét đậm, trời bỗng hửng nắng, khô ráo. Ngồi mãi ở nhà buồn quá em đi lang thang ra luỹ tre gần cổng làng. Em bỗng nghe tiếng gù của một con cu gáy cỡ “đại tướng”. Á à, em chợt nghĩ, đàn chim này chắc mới ở đâu về. Em đứng lặng đến mấy phút nghe tiếng gù của nó.
Tôi hỏi xen ngay, biết là không hay lắm, nhưng cốt để Cương nói rõ âm điệu tiếng gù của con chim.
- Mấy lèo? Năm lèo hay sáu lèo?
Cương phá cười, cặp mắt nheo nheo tinh nghịch:
- Ai bảo bác con nào gáy nhiều lèo thì hay. Không phải thế đâu. Con chim gáy hay, gáy cỡ “đại tướng” chúng em quen gọi là gáy trận. Nó hội đủ chu, lèo, vấp. Loại này hiếm lắm. Có khi cả đời người đi bẫy chỉ gặp một hai lần. Có khi không bao giờ gặp. Chim cu sống từng đôi. Rất chung thuỷ. Không may mất một con, con kia, có thể buồn não cho đến chết. Nó ít khi chịu tục huyền. Nhưng ăn thành đàn. Mỗi đàn vài ba đôi... Có một con đực gù hay nhất dẫn dắt. Nó rất căm tức địa bàn của nó bị đàn khác xâm chiếm. Lợi dụng yếu điểm này, con người mới bẫy được những con gáy hay. Con đầu đàn và con mồi thi nhau gáy. Gáy đến phát điên. Con mồi phải ngang nước, trên nước hoặc phải rất lì đàn mới dụ được con đầu đàn tức đến mức phải nhảy vào lồng và bị sập bãy. Về nước gáy thì con chim mồi của em không thể bằng con chim đầu đàn “đại tướng” này. Tuy vậy, em hy vọng, nó ra trận nhiều, rất lì, nên có thể gáy dụ được con đầu đàn “đại tướng” này. Đời em mới gặp có một lần nên trống ngực cứ rộn lên. Có lúc lại đau đến thắt ngực, khô họng. Chỉ lo con mồi của em không dụ được. Tiếc lắm. Em đi ra mấy chân ruộng cao. Nơi bà con trồng đỗ trồng vừng đã đến mùa thu hoạch. Đó là món ăn khoái khẩu của chim cu. Có lẽ thế nên con đầu đàn mới dắt đồng loại về đây. Em đang loay hoay tìm nơi đặt đại bản doanh cho trận chiến sớm mai thì chợt thấy một ông lão vóc người nhỏ nhắn, mặc bộ đồ gụ, phong thái rất ung dung đi dọc các luống ruộng cày ải ở chân ruộng dưới. Ông cụ cầm từng hòn đất lên nhìn ngắm chán lại bỏ xuống, nhặt hòn khác. Nhìn phong thái cụ rõ ràng là người đàng hoàng ở trong làng. Làng em to lắm. Em chưa gặp cụ lần nào nên không biết. Cụ đang làm một việc lạ. Rất lạ. Cụ chọn đất. Cụ không lấy đất màu. Chỉ lấy đất sét, đất cái. Đất phía dưới đất màu ấy. Chọn từng hòn bằng nắm tay, bằng bóng đèn cho vào bao dứa khâu nhỏ và có hai quai xách. Em thấy lạ, chăm chú nhìn theo. Cái túi đất hơi nặng cụ bị vấp ngã. Em chạy vội tới, đỡ cụ dậy. Khốn khổ lúc cụ ngã cái túi văng ra, bị đứt quai. Em nhặt hết những hòn đất cụ đã chọn cho vào túi, bê lên bờ, buộc cẩn thận vào xe đạp cho cụ. Cụ vừa bị ngã nên dắt xe vẫn còn run và loạng quạng. Em đỡ xe, hỏi:
- Ông lấy đất này làm gì ạ?
Cụ nói qua hơi thở:
- Có việc.
- Ông về đâu? Ông đi trước ạ. Để con dắt xe đỡ ông.
- Anh về đâu?
- Thưa, con về Cót.
- Thế cũng tiện đường. Không phiền hà gì, xin anh chở về chỗ chùa Nền cho tôi.
Hoá ra ông cụ lấy đất về để trồng địa lan, trồng thứ cỏ linh như ông cụ gọi.
Nghe ông cụ nói trồng thứ cỏ linh, tôi thấy lạ nên cũng háo hức muốn biết. Bác biết đấy, sân nhà em bày đầy cây thế bạc triệu cả nhưng em chưa nghe nói, chưa nhìn thấy thứ cỏ linh bao giờ. Em bê mấy chậu cỏ linh ra cho ông cụ thay đất. Ông cụ bảo lấy đất sét nó ít khuẩn, mát, tưới nước không bị bết, làm thối rễ cỏ. Tôi nhìn ngắm cụ khoan thai nhặt đất, xếp từng hòn vào chậu, tách bỏ những thân già rồi mới trồng lại. Tôi giúp cụ bê đất cũ đổ ra mãi ven đường. Đúng như bác nói đấy, ông cụ sợ giống địa lan quí bị phát tán, không còn cái riêng, cái đặc sắc của nhà mình nên những củ già tách bỏ, cụ đều lấy dĩa, xỉa nát ra. Em thấy lạ, trong lúc vờ vét đất cũ đổ đi, ra vẻ tiện tay vơ luôn một củ. Em không bỏ đi mà cắt lá bỏ vào túi quần.
Trồng xong, ông cụ cứ loay hoay tìm kiếm. Em mau miệng hỏi:
- Thưa ông, ông tìm gì ạ, có phải cái dĩa này không? Còn con dao phay chặt đất, con rửa sạch để trên nắp bể ạ.
- Anh có nhìn thấy một củ già, tôi bỏ lẫn vào đâu không nhỉ?
- Chắc con vơ lẫn vào đất loại đổ ra ngoài rìa đường rồi.
Ông cụ cười tủm. Người già răng lợi khập khễnh, cười tủm trông hiền và ngộ lắm. Ông cụ xua tay:
- Có thế chứ. Tôi tách bỏ những tám củ mà mới băm đi có bảy.
- Để con ra nhặt về cho ông ạ.
- Thôi. Bỏ đi.
Những năm sau, ông yếu chân, yếu tay, em đi chọn đất, thay đất, trồng lại cho ông. Ông ngồi cạnh hướng dẫn. Ông thường cầm cả mấy dảnh lan lên ngắm nghía kĩ lưỡng xem tách bỏ dẻ hành nào. Dĩ nhiên dẻ hành già nhất trong đám rồi. Ông lấy dĩa, xỉa bỏ ngay. Do vậy, em mượn cớ vơ vét lẫn vào đất cũ, đem đổ đi rồi giữ lại. Năm ấy tay ông run quá rồi. Củ lan ông chả xỉa, xỉa ngay vào ngón tay trỏ bên trái. Thế là cơ may đến với em. Không phải em xấu bụng, nghĩ ác đâu. Em dịt thuốc lào cho cụ và thay cụ đâm bỏ những củ lan già. Em cẩn thận, gọn gàng nên cụ rất vừa ý. Một hôm cụ chợt hỏi:
- Mấy củ cỏ già, cháu mang về ươm có sống không?
Tôi lạnh toát sống lưng. Biết không thể giấu nổi cụ, vội thưa ngay:
- Thưa ông, chúng nó mẹ già, con cọc, nên bấy bớt lắm ạ.
- ừ. Cháu thích thứ cỏ linh này, sao không nói thật với ông.
- Dạ. Thưa ông, cháu ngại ạ.
- Bây giờ có được mấy loại rồi nhỉ.
Tôi lúng búng, chưa biết nên trả lời thế nào. Ông lẩm nhẩm tính:
- Thế là cháu cũng ươm được đến ba loại rồi đấy. Còn thiếu có Thanh trường, Thanh ngọc nữa thôi. Để ông tách củ bánh tẻ cho.
Em giật mình. Thì ra em thó củ nào, ông biết hết, nhớ hết.
Em vờ vịt hỏi:
- Thưa ông con nghe nói, những năm chín mươi của thế kỉ trước địa lan đắt đến mấy chỉ vàng một dẻ hành sao ông không tách bớt ra bán cho người ta?
Ông mỉm cười:
- Thế thì thành lan đại trà ư? Làm gì còn cái riêng, cái bản sắc của nhà mình hả cậu.
Có trồng lan, mới thấm thía lời ông cụ.
- Nhưng có phải, loại địa lan nào của ông cụ cũng chuẩn, cũng tuyệt đâu?
- Bác cho ví dụ.
- Tôi nói thực lòng nhé
- Bác cứ nói.
- Cái anh Trường nhà ông cụ chẳng hạn, hoa rối, giót ngồng nhỏ tí như cái tăm, mà dân chơi lan các chú cứ nháo cả lên, lạ thật!
Cương cười khùng khục, phảy phảy tay:
- ấy chết, ấy chết, bác không biết, đừng có nói, họ cười cho. Trường nhà ông cụ thuộc loại bổng biện, quí phái lắm đấy?
- Bổng biện là thế nào?
- Bác chưa biết bổng biện thật à?
- Thật.
- Sao bác nhận luôn ra chậu Trường nhà cụ?
- Bởi giót ngồng nhỏ, hoa rối, hương đậm, toả xa.
- Say nhau là ở chỗ hoa rối, hương đậm, toả xa đấy.
- Chú giải thích cho tôi.
- Thì bác đã thấy giống Thanh trường nào cánh hoa gác vào ngồng như nối vòng tay lại với nhau, hương đậm, toả xa, xa đến giật mình chưa?
Tôi gật gù. Lát sau mới nói:
- Chỉ tiếc, trước kia chỉ mình ông cụ có. Bây giờ đến lượt chú. Nhưng chẳng ai chịu nhân giống ra.
Cương ngửa cổ cười. Cười không thành tiếng. Anh bảo:
- Mình phải giữ cái đặc sắc của nhà mình chứ.
Tôi buông một câu suồng sã, thử phản ứng của anh:
- Thời hội nhập rồi bố trẻ ạ.
Cương khoát khoát tay:
- Bác nhầm. Bác nhầm rồi. Càng hội nhập càng phải giữ cái riêng.
- Nhưng liệu có bảo thủ không? Có giữ được mãi không?
- Tại sao?
- Không thấy mỗi năm Tết đến, lan Tàu cấy mô lại tràn ngập thị trường. Mà toàn loại cao cấp cả. Những Thanh ngọc, Hoàng vũ, Ô tử thủy, Đào cơ...
- Đấy là lan dành cho người kinh doanh.
- Người ta bảo, lan Tàu cấy mô, trồng ở ta mãi rồi cũng thành lan ta.
- Vậy ai thích cứ trồng. Còn em, một dẻ hành cũng không thể san ra.
Tôi tấm tắc.
- Xin chịu mấy ông, giữ gìn đến thế thì cũng công phu thật!
(st)